007...Toạ đàm nữ phái
007...
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
NĂM ĐẠO THỨ 92
BAN QUI ƯỚC ĐẠO CAO ĐÀI TP.CẦN THƠ
KỶ YẾU
TỌA ĐÀM
NỮ PHÁI ĐẠO CAO ĐÀI TPCT SỐNG TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO
Cần Thơ, ngày 23 tháng 06 / 2017
CHƯƠNG TRÌNH
TỌA ĐÀM NỮ PHÁI ĐẠO CAO ĐÀI TPCT
SỐNG TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO
Khai mạc lúc 8 giờ, Ngày 23 / 06 / 2017 (29/ 05/ Đinh Dậu)
I/- NGHI THỨC:
1-Tuyên bố lý do
2-Niệm danh hiệu Đức Chí Tôn
3-Tưởng niệm Bác Hồ kính yêu, các anh hùng liệt sĩ và chư vị tiền bối quá vãng
4-Giới thiệu đại biểu và khách mời tham dự
II/- NỘI DUNG:
1-Lời khai mạc
2-Tham luận
-Vai trò nữ phái đối với đạo
-
-Vai trò nữ phái đối với việc xây dựng gia đình hạnh phúc
-Nữ phái đạo Cao Đài siêng năng học tập Thánh giáo
-Nữ đạo cơ tuyển độ
-Nữ phái đạo Cao Đài TPCT sống tốt đời đẹp đạo
3-Ý kiến phát biểu của Chính quyền Mặt trận các cấp.
4-Kết luận tọa đàm
BẾ MẠC
LỜI KHAI MẠC
TỌA ĐÀM
NỮ PHÁI ĐẠO CAO ĐÀI
SỐNG “TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO”.
Lương Hữu Phước
(TRƯỞNG BAN QUI ƯỚC ĐẠO CAO ĐÀI TP.CẦN THƠ)
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gọi tắt là đạo Cao Đài, một nền đạo đã được khai mở tại miền Nam nước Việt Nam vào năm Bính Dần 1926. Đến nay qua 92 năm hình thành và phát triển có biến sinh, nhưng với Tôn chỉ “Tam giáo qui nguyên, ngũ chi hiệp nhứt”. Lấy tu nhơn đạo làm nền tảng, coi nhiệm vụ giải khổ cho nhơn sanh cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần làm phương hướng tu hành, đường hướng đó đã đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của đồng bào nói chung, của dân nam bộ nói riêng, nhất là nông dân và người dân lao động, nên nhập môn theo đạo rất đông trong đó có nữ phái. Đặc biệt sau khi được nhà nước công nhận tư cách pháp nhân năm 1995 đến hôm nay đạo Cao Đài trong cả nước có 1.300 cơ sở thờ tự, 10.000 chức sắc, 30.000 chức việc với gần 2,5 triệu tín đồ ở 37 tỉnh, thành phố.
Trong những năm khai mở nền đạo, các vị chức sắc lãnh đạo đã nhận thấy vai trò trách nhiệm và vị trí của nữ phái đối với gia đình, xã hội và đạo đức như lời Đức Chí Tôn đã dạy:
“Nữ cũng một chơn linh Thượng Đế,
Cũng đồng tông, đồng tổ như ai;
Cũng mắt mũ, cũng chân tay,
Nào đâu có kém tài trai bao giờ.
Bao nhiêu nam tức bao nhiêu nữ. Nam biết thành Tiên Phật chớ nữ lại không sao? Trên Bạch ngọc kinh có cả nam lẫn nữ, các con chớ lầm tưởng và phân biệt, có các Đấng nữ Tiên, nữ Phật còn lớn quyền thế hơn nam nhiều.” (Thánh ngôn hiệp tuyển 8/6 Bính Dần 1926).
Hễ bao nhiêu nam, cũng tức bao nhiêu nữ, nam nữ vốn như nhau nên Thầy đến phong cho Nữ phái buổi lập “Pháp chánh truyền”.
“Đại hội công đồng giáo lý Tôn giáo” đã tổ chức tại Thánh Thất Ngọc Phước (Phước Long, Bạc Liêu) từ ngày mùng 4 đến mùng 8/4 Giáp Tuất (16-20/5/1934) đã tập họp hàng chục ngàn người tham dự với 15 bài thuyết đạo của chức sắc các Tôn giáo: Phật giáo, Tịnh độ cư sĩ, Công giáo và các Chi phái Cao Đài như Ban chỉnh đạo, Minh chơn lý…đã xác định mục đích Tôn giáo ra đời là cứu khổ ban vui, đem lại niềm vui, lẽ sống an lành hạnh phúc cho nhơn sanh.
Trong đại hội nầy Giáo sư Hương Lài (Cao Đài Minh Chơn Đạo) đã thay mặt cho nữ phái có bài phát biểu tham luận.
Nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ để nữ phái học tập và noi theo những đức tính tốt đẹp, bao dung nhân hậu, đảm đang, trung trinh tiết liệt như các bậc anh thư liệt nữ đã hy sinh vì nước non dân tộc, Đại hội Nữ chung hòa lần thứ 1 được tổ chức vào ngày rằm tháng 8 năm 1937 tại Thánh Thất Minh Đức, Gò Quao - Rạch Giá Kiên Giang) tập họp trên hàng ngàn nữ phái khắp tam giang về dự với nội dung:
-Tăng cường đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau.
-Phát huy vai trò nữ giới.
-Học tập gương anh thư liệt nữ ngày xưa.
Tiếp tục phát huy kết quả lần đầu tháng 2/1938 – Đại hội Nữ Chung hòa lần thứ 2 được tổ chức tại Thánh Thất MinhTân (Sài Gòn) đại hội nầy nhằm tăng cường đoàn kết thương yêu, tương trợ giúp đở lẫn nhau trong nghĩa tình đồng đạo gắn bó ngày càng tốt hơn.
Trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân đế quốc, Nữ phái đạo Cao Đài đông đảo người tham gia vào phụ nữ Cao Đài cứu quốc 12 phái thống nhất Cao Đài liên giao I, Cao Đài liên giao II đấu tranh với giặc, bảo vệ quê hương tăng gia sản xuất, nuôi dạy con thơ, tiển chồng con đi đánh giặc cứu nước, ngoài ra còn tham gia các tổ chức như hội mẹ chiến sĩ, hội phụ nữ ở địa phương, có người thoát ly đi kháng chiến. Hiện nay tỉnh Cần Thơ cũ nay là TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang có 126 liệt sĩ 16 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng tiêu biểu là Thánh Tịnh Trước Mai xã Trường Thành, huyện Thới Lai có 3 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng 55 liệt sĩ (có 1 nữ) 3 thương binh, 16 người có công với cách mạng (có 13 nữ).
Nhìn về lược sử khai đạo Cao Đài chúng ta có thể thấy ngay những yếu tố báo hiệu xu hướng phát huy và nâng cao vai trò của nữ giới trong thời đại ngày nay.
*Giai đoạn xây dựng nền tảng Ngoại giáo Công Truyền (1924-1926) Cửu vị Tiên Nương thuộc Diêu Trì cung, đặc biệt là Thất Nương (Đoàn Ngọc Quế) và Bát Nương (Hớn Liên Bạch) thường xuyên xướng họa thi thơ để dẫn dắt chư Tiền Khai Đại Đạo vào đường tu học để chuẩn bị nhập môn cầu đạo làm môn đệ Đức Cao Đài.
*Hiền thê của Ngài Cao Huỳnh Cư nhủ danh là Hiếu, Bà có công lớn trong thời kỳ khai đạo.
-Sắp đặt lễ phẩm các buổi cầu Tiên.
-Tổ chức hội yến bàn đào đầu tiên theo lịnh dạy của ơn trên.
-Lo việc trù phòng suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh.
*Bà Lân Hương Thanh có công rất lớn trong cuộc xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh bằng tài lực, vật lực.
*Chính sự giáng lâm dạy đạo của Đức Vô Cực Từ Tôn và chư Phật Nữ, Tiên Nương đã nói lên mục đích của Đức Chí Tôn trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là phục hồi và nâng cao để phát huy giá trị của nữ giới để có thể hoàn thành công cuộc tận độ kỳ ba.
*Trong tổ chức hành chánh đạo Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thừa lịnh Đức Chí Tôn Thượng Đế đã qui định rõ phẩm trật và quyền hạn thiên phong chức sắc nữ trong Pháp chánh truyền Cao Đài.
*Đức Phật Mẫu hằng quan tâm chăm sóc việc tu học của nữ phái.
Bên cạnh những lời khuyến tu chung cho các tín đồ, Đức Phật Mẫu còn ban lịnh cho Đức Quan Thế Âm Bồ Tát chủ trì hội đồng chư Thánh Mẫu Nữ Vương đặc trách phần hướng dẫn nâng đở nữ phái trên đường tu học.
Thành phố Cần Thơ hiện nay có 27 cơ sở thờ tự và 21. 216 tín đồ.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nữ phái các Họ đạo Cao Đài Thành phố tiếp tục phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, kết hợp đạo đức cách mạng và truyền thống vẻ vang của dân tộc, tích cực cùng nam phái xây dựng đường hướng hành đạo theo phương châm “nước vinh đạo sáng”, đoàn kết chặt chẻ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn phát huy giá trị của đạo, trong đó nổi bật là chăm lo xây dựng con người, xây dựng đạo đức lối sống lành mạnh, làm lành, lánh dữ, tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác…
Trên cơ sở gìn giữ và phát huy nền văn hóa mang tính đậm đà bản sắc dân tộc, Nữ phái đã giáo dục con cháu: giữ tốt hạnh đạo, có lối sống trung thực giản dị, lành mạnh, giữ tốt tình làng nghĩa xóm, phòng chống các tệ nạn xã hội trong gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa trong tham gia giao thông v.v…có nhiều tấm gương ông bà mẫu mực – con cháu thảo hiền, nhiều gia đình được bình chọn “gia đình văn hóa tiêu biểu…cụ thể:
-Phối họp với nam phái làm công tác từ thiện xã hội mỗi năm trị giá gần 2 tỷ đồng.
-Lo việc tang tế sự cho bổn đạo và các đạo sự như thượng tượng, cầu an, cầu lành bệnh…
-Những lễ hội truyền thống của đạo, những lớp hạnh đường giáo lý, sinh hoạt chánh sách pháp luật, những cuộc họp định kỳ của Ban Qui Ước… phái nữ tham dự đông đủ.
-Bên cạnh những nhiệm vụ trên, nữ phái còn có trách nhiệm đối với gia đình trước hết là nghĩa vụ làm con, nghĩa vụ làm vợ và cuối cùng là nghĩa vụ làm mẹ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nhưng hiện nay, chức sắc hướng đạo các Họ đạo và tín đồ nữ, đa số các vị tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn hoạt động đầy nhiệt tình trách nhiệm trong thực tiển để phục vụ nhơn sanh, nhưng so với yêu cầu đổi mới trong hành đạo, thực hiện chánh sách Tôn giáo…còn gặp nhiều khó khăn, vì chưa có lực lượng kế thừa để đảm đương trọng trách nặng nề ấy.
Về trình độ nói chung còn thấp, hằng năm các vị được Mặt Trận Tổ Quốc Ban Tôn Giáo (Sở nội vụ) bồi dưỡng chính trị từ 3 đến 4 ngày, cũng như dự lớp bồi dưỡng giáo lý thời gian ngắn ngủi – so sánh như vậy để thấy điều kiện khả năng truyền đạt giáo lý, giáo luật và các chủ trương chánh sách của Đảng, nhà nước đến tín đồ và con em của đạo còn hạn chế.
Thiết nghỉ các Họ đạo trong giai đoạn hiện nay cần đào tạo một lực lượng nữ kế thừa có đủ trình độ học vấn, có chuyên môn và trình độ chánh trị làm nền tảng cho tư tưởng yêu nước, mến đạo bằng hành động thiết thực vì tổ quốc Việt Nam thân yêu, lực lượng ấy biết kế thừa và phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước.
Hôm nay, Ban Qui Ước tổ chức cuộc tọa đàm: Nữ phái đạo Cao Đài TPCT “sống tốt đời đẹp đạo” để nữ phái các Họ đạo nêu lên vai trò, trách nhiệm của mình đối với bản thân gia đình và xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Ban Qui Ước rất mong quí đại diện của chánh quyền, MTTQ và các Họ đạo Cao Đài phát biểu tham luận, đóng góp ý kiến cho nữ phái đạo Cao Đài TPCT được học hỏi những kinh nghiệm quí báu để nâng cao vai trò trách nhiệm của mình đối với đạo và xã hội trong thời kỳ đổi mới.
T/m BQƯ, xin kính chúc quí đại biểu được dồi dào sức khỏe, hưởng trọn hồng ân của Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng ban cho gia đình và bửu quyến được phúc thọ vẹn toàn.
Chúc cuộc tọa đàm: Nữ phái đạo Cao Đài TPCT sống “tốt đời đẹp đạo” thành công tốt đẹp.
Trân trọng kính chào.
Bài tham luận:
VAI TRÒ NỮ PHÁI ĐỐI VỚI VIỆC
XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
LS: Hương Dung
(Thánh Tịnh Long Thành)
Trong đàn cơ ngày 21/12/1939 tại Thánh Tịnh Thanh Quang, Đức Trưng Trắc Thánh Nương đã dạy:
Biết đâu gái cũng như trai,
Cũng con Thượng Đế hai vai cũng đồng.
---------
Và lời Đức Quan Âm có dạy:
Nữ cũng như nam có khác nào,
Cũng người, cũng học, cũng tài cao.
Chỉ riêng thể chất thì hơi thiệt,
Lập đức thi công rạng má đào.
Kính thưa quí vị!
Xuyên suốt lịch sử mở đạo, truyền đạo, vai trò nữ phái luôn thể hiện ở nhiều tầm vóc quan trọng khác nhau, Trong thời kỳ đầu lập đạo, bên cạnh mười hai môn đệ đầu tiên của Đức Thượng Đế quí vị nữ phái cũng góp sức mình trong vai đoạn khai minh và xiễn dương nền chánh pháp. Nhiều sự kiện được ghi lại qua tư liệu từ hồi ký của Tiền bối nữ đầu sư Hương Hiếu đã minh họa rõ nét điều nầy. Từ việc may Thiên Phục cho chức sắc, cho đến việc chọn mua đất và quá trình xây dựng Tòa Thánh đầu tiên, quí Tiền bối nữ phái đã đóng vai trò hết sức quan trọng, cùng chia sớt gánh nặng với chức sắc Thiên phong trong thời kỳ đầu mở đạo. Tờ Tịch đạo gởi chính quyền Pháp ở Nam kỳ trước đây được xem như bảng Tuyên ngôn thành lập đạo cũng có quí Tiền bối nữ phái đứng tên. Tất cả những minh họa trên đã thể hiện tính bình đẳng con chung cùng cha của mọi tín đồ trước đại Từ phụ, thể hiện sứ mạng trọng đại mà người phụ nữ Cao Đài phải chung lòng hiệp sức để xây dựng đạo đời.
Và nữ phái Cao Đài đã trân trọng gìn giữ chiếc áo dài Việt Nam truyền thống văn hóa dân tộc trong những thời lễ trước bửu điện Đức Chí Tôn cũng như mọi sinh hoạt tu học nhà đạo. Đương nhiên đó là đạo phục Tôn giáo, nhưng dưới góc nhìn văn hóa, nữ phái chúng ta đang làm phong phú nền văn hóa Cao Đài trong lòng văn hóa dân tộc, bên cạnh đó Nữ phái Cao Đài đã thể hiện đạo đức của người tín đồ qua công, ngôn, dung, hạnh, tam tòng, tứ đức bằng cách thức sống đạo trong gia đình và ngoài xã hội. Với vai trò nổi bật và khả năng quản xuyến, nữ phái đã giúp gìn giữ gia phong, đạo đức của gia đình và dòng tộc. Các gia đình có nếp sống đạo tốt đẹp thường có kết quả trong ấm, ngoài êm, gia đạo hanh thong, con cháu thành đạt, sống có tư cách và trở thành người hữu ích cho cộng đồng. Nữ phái thường nhẫn nhịn, hy sinh vì chồng con, là bức thành trì vững chắc, tạo điểm tựa an toàn để chồng con yên tâm trên con đường phụng sự tha nhân, Chúng ta có thể nhìn thấy đằng sau những tấm gương, quên mình vì Thầy vì đạo của các bậc Tiền khai là sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ luôn chăm chút, chắt chiu để người thân của mình xông pha vì đại nghiệp. Đó là truyền thống tốt đẹp về tính cách chịu thương, chịu khó của phụ nữ Việt Nam, được kế thừa, phát huy rất rõ nét ở nữ phái Cao Đài.
1/ NỮ PHÁI ĐỐI VỚI ĐẠO
Trong Thánh huấn Đức Vô Cực Từ Tôn giáng dạy tại Trung Hưng Bửu Tòa năm 1964 như sau:
-“Hởi các con nữ phái, ngày nay các con phải tự thấy sứ mạng càng quan trọng hơn, phải lấy tình thương yêu, đức nhu thuận để san bằng mọi mâu thuẩn, hòa đồng mọi dị biệt, hàn gắn mọi đổ vở, các con là sinh lực của bác ái, của hòa bình, của gia đình cũng như xã hội, các con phải hăng hái tiến lên, đừng rụt rè, e ngại. Các con dù ở đâu: Ở nhà, ở xã đạo, ở Thánh Thất, ở Hội Thánh các con là tín đồ, là chức sắc, là chức việc, là nữ tu sĩ, là giáo sĩ cũng đều có thể làm tròn bổn phận người phụ nữ trong sứ mạng”.
Trên đây Đức Mẹ Từ Tôn đã kêu gọi toàn thể nữ phái, phải ý thức được trọng trách của mình dù bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, lãnh vực nào cũng phải lấy tình thương yêu, đức nhu thuận làm nền tảng xây dựng hạnh phúc gia đình, cải hóa xã hội, hãy mạnh dạn, hăng hái vui vẽ, làm việc có ích lợi cho mình, cho người. Muốn thực hiện được những hoài bảo ấy phải:
-Củng cố đức tin.
-Kiên định lập trường.
-Siêng năng học tập: Học ở sách vở, học ở người, học ở xã hội ngay trong cuộc sống hằng ngày.
-Luôn thực hiện hạnh thương yêu vì: “Thầy là sự thương yêu và lẽ hằng sống”.
Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu có dạy:
“Hởi nữ phái tình thương cao cả,
Tình thương là phép lạ vô biên;
San bằng mọi lẽ chinh nghiêng,
Lấp bằng những hố tư riêng trong lòng”.
Những điều căn bản nêu trên để tự đào tạo và rèn luyện cho mỗi chị em trở nên người tín đồ Cao Đài chân chính, thì trước hết chị em chúng ta phải có một đức tin vững chắc.
-Trước tiên là phải biết tin thờ Thượng Đế.
-Thứ đến là phải giữ giới qui tinh tiến.
Thứ nữa là cùng góp sức mình trong công việc đạo sự của Thánh Thất, Thánh Tịnh, gần gủi huynh đệ để cùng học hỏi, tu tâm dưỡng tánh, gọt rửa thân tâm, ứng xử đạo đức văn minh trong cộng đồng nhà đạo.
Việc cuối cùng và cần thiết là phải thường xuyên cúng thời, công phu tịnh định để giao cảm với thiêng liêng và nhận được sự hộ trì cần thiết để khai sáng tâm linh.
2/ NỮ PHÁI ĐẠO CAO ĐÀI ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH:
Gia đình là nền tảng của quốc gia xã hội, xã hội có an bình, quốc gia có thạnh trị là bởi tất cả các gia đình đều biết sống theo đạo nghĩa, mà thực hành đạo nghĩa là do con người. Vậy người phụ nữ đối với gia đình có 3 nghĩa vụ chính yếu: Nghĩa vụ làm con, nghĩa vụ làm vợ, và nghĩa vụ làm mẹ.
a-Trước hết là nói đến nghĩa vụ làm con.
Con người đã có thân tất phải có cha mẹ, dĩ nhiên người làm con phải biết báo đáp công ơn của cha mẹ. Ở đời đạo hiếu được dạy đứng đầu trong đạo làm người.
Thánh xưa dạy từng câu nói hiếu,
Đạo thờ thân chầm khíu nên kinh;
Tích xưa nói đến Đề Oanh,
Thương cha nên phải bán mình kêu oan.
(Nữ trung tùng phận – Đoàn Thị Điểm)
b-Tiếp theo là nghĩa vụ làm vợ.
Người vợ là người chủ sự chốn gia đình, người vợ là người đem nguồn sống nhân tài đượm nhuần khắp cõi lòng và thân thể con cái, là giọt nước cam lồ, để an ủi những nỗi lo lắng cho chồng, là tấm gương khích lệ chí khí cho chồng, ảnh hưởng giá trị của người vợ đối với gia đình, xã hội không phải thấp kém mà ngược lại còn cao hơn, bởi trên cõi đời nầy, nếu không có người đàn bà thì thiếu vui, kém đẹp. Người đàn bà đúng đắn, đảm đang là nguồn nước trong lành, tưới mát cho những ai đã lặn lội trên đường đầy gió bụi. Người vợ hiểu biết và thực hiện được nghĩa vụ của mình là đã tạo một thiên đường hạnh phúc tại thế gian nầy với những việc hết sức bình thường hàng ngày như việc đối xử thương yêu chồng con, thuận hòa, vui vẻ, quán xuyến việc nhà, sắp xếp gọn gàng ngay ngắn, ôn hòa nhã nhặn đối với mọi người. Người vợ như một nhà ngoại giao, luôn ôn tồn, dịu dàng, hòa nhã, lễ độ. Một công việc gì được kết quả, một gia đình nào được êm ấm đều là công phu của sự hiểu biết, cố gắng và nhường nhịn lẫn nhau.
c-Cuối cùng là nghĩa vụ làm mẹ.
Cha mẹ, con cái là một mối dây hòa đồng gia tộc, nên cha mẹ, nhất là người mẹ có một nguồn thông cảm rạt rào không bờ bến trước sự trưởng thành của con cái. Dù phải nhẫn nhục trước bao sự vất vả, khổ sở ô uế hay khinh bỉ trong khi thơ ấu cũng như trong lúc trưởng thành, cha mẹ cũng chỉ biết dồn hết cả vào nơi con cái một lòng thương yêu chân thật và một cố gắng lo toan xây dựng.
Người mẹ lại đóng một vai trò quan trọng hơn hết trong công việc nuôi nấng và giáo dục con cái. Nghĩa là trước hết người mẹ phải làm gương tốt cho con cái, con cái sẽ tốt hay xấu, hư hay nên, lành hay dữ phần lớn là do sự giáo dục cảm hóa của người mẹ. Nên làm người mẹ phải luôn luôn gương mẫu như không nói dối với con, không tham lam, không chưỡi thề, văng tục, không nguyền rủa người khác, không giận dử la ó om sòm với mọi người, không đánh đập tàn bạo với con cái, không răn phạt qúa mức hay không công bình, không nghiêm khắc thái hóa, cũng không nuông chiều vô lý, không cho ăn uống quá độ. Luôn luôn hướng dẫn con cái có ý chí tự lập, tự chủ, không ỷ lại, không lười biếng, không rụt rè, nên bạo dạng và nên hoạt động, tập tánh vui vẻ, rộng lượng, thương yêu tha thứ, khiêm nhường và lễ độ.
Người mẹ phải nghiêm cấm con cá làm điều ác, làm mẹ phải biết nhận thức rành rẻ những hành vi của con cái. Hành vi ác phải triệt để nghiêm cấm không cho nó sinh khởi và phải cố gắng diệt trừ để khỏi hư hỏng liên lụy đến mình và khỏi mất thanh thế gia phong, đồng thời người mẹ phải hướng dẫn con cái biết và làm điều thiện. Điều thiện tức là điều lành là những gì tăng trưởng hay duy trì sự sống của con người và xã hội là những gì ứng họp với luật lệ của sự sống. Là cha mẹ, không bao giờ muốn cho con cái lạc ra ngoài phương châm ấy, mà phải cố gắng uốn nắn cho con theo đúng khuôn đặng nên người.
KẾT LUẬN
Người phụ nữ Cao Đài phải nhìn xa thấy rộng, phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình, thiên chức làm con, làm vợ, làm mẹ, làm tín đồ mà cố gắng thực hành những điều hay lẽ thật là đã góp phần xây dựng hữu hiệu trong cuộc phục hưng tinh thần văn minh đạo đức của dân tộc, đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho gia đình, an ninh cho Tổ quốc và đào tạo một nền văn hóa tốt đẹp cho xã hội.
Bởi vì từ gia đình đến xã hội, từ đạo giáo đến thế gian, hóa trình sinh hoạt trong nhiều lãnh vực đã chỉ cho chúng ta thấy được vai trò của người phụ nữ ngày càng quan trọng.
Trong chiều hướng đó, chúng ta có quyền tin tưởng nữ giới sẽ chia phần danh dự trong cuộc kiến tạo tương lai huy hoàng cho nhân loại. Với vai trò người tín nữ Cao Đài, chúng ta còn có ý thức được điều ấy rõ ràng hơn trong sứ mạng “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát”.
Bài tham luận:
NỮ PHÁI ĐẠO CAO ĐÀI
SIÊNG NĂNG HỌC TẬP THÁNH GIÁO
Giáo sư: Thượng Vân Thanh
(Thánh Tịnh Chiếu Minh Minh Nguyệt)
Sống trong cõi phù hoa giả tạo mọi người đang chen lấn trong nghiệp lực khổ đau đầy nhiểu nhương và lắm sự thị phi của cuộc đời. Các chị em trong hàng Nữ phái Đạo Thầy, cần phải bớt nghe những tiếng thị phi để cõi lòng không xao động. dành thời gian học và hành đạo luôn được gắn liền là phương pháp vừa kiến tạo cho mình sự phát triển tâm linh, trí đạo để luôn được nâng tầm tiến hóa bản thân vừa ngăn chặn những dục vọng phàm tâm, để tránh làm mất đức tin ở chính mình.
Dù ở cõi vô hình nhưng tình thương yêu, mối liên hệ và trách nhiệm của các Đấng siêu linh đối với toàn thể chúng sanh thật gần gủi qua huyền cơ diệu bút, Mỗi chúng ta khi được nghe lời giảng dạy như nhận được sự hộ trì của Thầy, Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng, chúng ta phải hướng tâm tưởng niệm các Đấng khi nghiên cứu lời dạy qua Thánh ngôn Thánh giáo trên ban.
Trong Thánh giáo Cao Đài có biết bao lời vàng tiếng ngọc của Thầy Mẹ vì thương con trẻ mà hết lời khuyên dạy. Chư Phật Tiên Thánh Thần cũng nương vào huyền cơ diệu bút để giáo hóa quần sanh từ cơ hữu thể vật chất đến phần quan trọng hơn là mặt tâm linh.
Sách có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”; vào chợ thì lo mua bán, vào chùa thì lo kinh kệ, Ngoài việc nghiên cứu học tập Thánh giáo Thánh ngôn để thông suốt đường hướng hành đạo còn có một trách nhiệm thiêng liêng cao cà đối với sự mẫu mực ở gia đình. chịu khó nhắc nhở con cái siêng năng đến Thánh tịnh, Thánh thất học đạo, hành đạo, đừng để vì lý do nào làm con cháu mất đức tin thì khó mồi lửa đức tin lại lắm. vì tạo đức tin thì rất khó nhưng làm mất đức tin thì quá dễ dàng. Là người đạo chúng ta còn phải có trách nhiệm ở gia đình vun đấp tình thâm, điểm tô đạo đức. Nếu bậc cha mẹ buông xuôi con cái, thì tội nghiệp con cái đã ở bên vựa lúa mà chịu đói, ở bên giòng suối mà chịu khát, ở nơi truyền thống đạo đức mà chẳng thọ hưởng được sự tuyệt quí của truyền thống đó, vì truyền thống tuyệt quí đó cũng là sự nối truyền cơ duyên chớ không phải ngẫu nhiên mà con cái thác sanh vào trong gia đình Đạo, nên lễ Tắm Thánh hay Nhập Môn trong gia đình đạo cần được duy trì tiếp nối theo truyền thống đạo đức của gia đình.
Do nguồn gốc phát xuất Đạo Cao Đài từ Cơ Bút nên trong thời Khai Đạo, có rất nhiều Thánh sở được thành lập bộ phận Hiệp Thiên Đài, để Ơn Trên dùng huyền cơ diệu bút mà giảng Đạo, truyền Kinh, ban Luật. cho nên khi nói đến Thánh Ngôn Thánh Giáo Cao Đài là một kho tàng văn hóa vô giá vô tận. Cho nên chúng ta bắt đầu học từ Thánh ngôn Thánh Giáo.
Học tập quan trọng ở lập chí. Chúng ta đã có thầy dạy trực tiếp trong các Thánh sở Cao Đài qua chương trình bình thánh giáo Thánh ngôn, thuyết giảng giáo lý. Trước tiên mỗi một người phải gieo trồng cái nhân tư tưởng, quan niệm nhân ái. Tư tưởng nhân ái phải thông qua học tập, thông qua giáo dục, cũng chính là phải giáo dục trí tuệ của Thánh Hiền.
Nếu chúng ta lập định chí hướng, thọ học Thánh giáo Thánh ngôn của các Đấng chỉ dạy thời sức ảnh hưởng của chúng ta sẽ không ngừng mở rộng, mức yêu cầu tu học của chúng ta càng nhận rõ sâu xa hơn, vững vàng hơn trên mức tiến tâm linh được nâng lên từ trường học đạo. Trường học đạo là các Hội Thánh, Thánh Thất, Thánh tịnh, các cơ quan đạo mỗi tháng trong ngày cúng thường lệ có tổ chức chương trình bình giảng Thánh giáo Thánh ngôn là giúp chúng ta càng đủ điều kiện trên đường học đạo.
Ngoài sự học tập còn quý ở thực hành vô cùng quan trọng. Nhất là học một câu chúng ta liền làm một câu. Vì trong cái học để hiểu biết việc làm, trong cái làm để phát triển việc học. Hiện tại học một điều làm một điều, cũng là một động lực thúc đẩy tinh thần cho nhau để cùng nhau thọ học, cùng nhau tiến hóa.
Học tập cũng rất quan trọng ở thứ tự, đó là những trình tự của nó để được phù họp vào thời gian, khả năng và thực tiển. Đi học phải có trước sau, phần nào học trước, phần nào học sau cho đúng cách.
Đặc biệt nữ phái phải lấy sự rèn luyện đức hạnh làm đầu: Dù ở thời đại nào, xã hội nào? đức hạnh luôn được xem là chuẩn mực để đánh giá con người, nhất là nơi phụ nữ, đó là vẻ đẹp tinh thần cao quý. nên việc rèn luyện đức hạnh của nữ giới là điều luôn cần thiết. Một người phụ nữ đức hạnh bao giờ cũng được mọi người kính nể quí trọng, sẽ giúp phụ nữ tự tin, vững vàng và tạo ảnh hưởng tốt với mọi người chung quanh.
Ngoài phần nhân sinh nêu trên, còn có phần rất quan trọng là rèn luyện tâm linh để thực thi Sứ Mạng Đại Thừa - Khi hướng ngoại thì lo giúp thế độ đời, lúc trở vào tâm nội thì trau giồi pháp đạo, ấy cũng gọi là Đời Đạo Song Tu. Ngoài xây Thế Đạo Đại Đồng, Trong hiệp cùng Trời đất thông công cơ mầu nhiệm.
Sau đây, chúng tôi xin trích một đoạn Thánh giáo trong Tình Từ Mẫu, Đàn tại Thánh Thất Bình Hòa, Tuất thời Rằm tháng 8 Nhâm Tý 1972. Đức Từ Tôn Kim Mẫu dạy về Đời Đạo Song Tu. Qua đoạn Thánh giáo, cũng thay cho lời kết của bài tham luận này. Thánh giáo đức Mẹ dạy như sau:
Thu Nhâm-Tý mấy dòng Mẹ kể,
Cho các con trần-thế ghi lòng;
Tu là lóng đục tầm trong,
Phân thanh, khử trược từ lòng đến thân.
Con hỡi con! Phong-trần nặng nợ,
Con hỡi con! Chớ ở lâu dài!
Dầu rằng có luyến trần-ai,
Đừng gây nghiệp xấu dông dài nghe con!
Hãy làm phước tu bòn công-đức!
Hãy làm nhân góp sức chung công!
Việc chi mình chẳng hài lòng,
Đừng làm kẻ khác trong vòng thế-gian
Lựa việc tốt ngay đàng thẳng lối,
Chọn việc lành thúc hối nhau làm,
Việc đời con đã quá ham,
Còn đâu giờ giấc con làm công-phu?
Con hỡi con! Lo tu kíp kíp!
Con hỡi con! Cho kịp quay về!
Về nơi Bến Giác trọn bề,
Để xa bến Muội, sông Mê cuộc đời./.
Bài tham luận:
NỮ ĐẠO CƠ TUYỂN ĐỘ
Nguyễn Kim Chi
(Ban Quản Lý Thánh Đức Tổ Đình)
Thành phố Cần Thơ là trung tâm đồng bằng sông Cửu Long với nhiều cảnh vật nên thơ phong phú, cây xanh hoa trái bốn mùa tươi thắm, người dân miền Tây sống hiền hòa mến khách. Vì vậy nên được Đấng Chí Tôn lựa chọn làm nơi khai minh Đạo pháp tâm truyền, hướng dẫn nhơn sanh cơ phổ độ chuyển sang cơ tuyển độ tầm tu giải thoát, đưa con người từ bậc phàm nhân trở nên bậc Thánh nhân, Trong đó vai trò nữ tu phải thực hiện đầy đủ phẩm chất nhân văn hai phần quan trọng như sau:
-Tề gia nội trợ trong gia đình và xã hội phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm, tại gia phải nuôi dạy con cái cho nên người tốt, đối xử với ông bà cha mẹ, vợ chồng thuận thảo, làng xóm láng giềng giúp đở lẫn nhau khi có hữu sự, sẻ chia với tất cả mọi người theo khả năng, chớ không phải chúng ta nói vô tu rồi thì bỏ mặc hay trốn tránh, quay lưng bỏ ngang trách nhiệm với tất cả, như vậy là không đúng với tôn chỉ mục đích của sự tu hành, phải thể hiện tốt hơn nữa vai trò của mình với gia đình và xã hội. Thầy đã dạy: Vừa tu vừa trả nợ đời, và giữ như sen mộc dưới bùn không nhơ.
-Xin mạn phép nói riêng về nữ phái Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi mà thôi.
Thầy đức Tôn sư Ngô Minh Chiêu đã có dạy: Tu hành chỉ một kinh một Pháp là đủ rồi.
Một Pháp là bí pháp khẩu truyền tâm thọ là công phu thiền định tứ thời và có 240 giới luật hàng ngày phải đọc thuộc lòng vào buổi sớm mai, đóm là 10 điều cảm ứng trong kinh cúng tứ thời. Thầy đã dạy phải học cho thuộc, phải hành cho y, đó là đức tánh của người chơn tu về nhơn đạo (đối nhơn xử thế) là phần tu Tánh, hàng ngày đọc để rèn luyện sửa đổi, tự mình sám hối để bản thân đừng làm sai trái, phạm giới luật, tu không đạt kết quả, phải chuyển kiếp làm người để tu lại.
Luyện Mạng là pháp công phu thiền định, còn gọi là luyện đạo, luyện pháp, luyện đơn.
Cho nên hai chữ Tu Hành có thể giải nghĩa đơn giản cho dễ hiểu, Tu là sửa chữa lổi lầm, Hành là thường hành tứ thời tịnh luyện, cúng bái răn lòng. Một kinh là Đại Thừa Chơn Giáo để dạy bảo cho các tín đồ nghiên cứu tìm hiểu, học tập trong quá trình tu học, nhằm thực hành y khuôn mẫu cho có kết quả thuần hành, in khuôn in rập mới cải tục hườn Tiên, tu hành đắc đạo, ngoài sự tu tánh luyện mạng còn phải tu thân, tu khẩu mới đủ.
Ngày nay trong vai trò nữ phái, chúng ta khi đã bước lên con thuyền Đại Đạo phải mạnh dạn từng bước đi lên trau dồi đạo đức, học tập lời Thầy dạy: Hạnh Tiên nết Thánh rán công rèn, xứng đáng con Rồng cháu Tiên, Thầy nào trò nấy theo gương tu học tánh đức của Thầy hồi còn tại thế và các vị Nữ Tiền Bối có rất nhiều vị thời kỳ khai đạo mà quá trình tu hành đã để lại công đức lớn lao cho đạo như là tài sản đất đai và để di chúc hiến hết cho đạo con cháu không được đòi lại, nhiều vị đã sẳn sàng hy sinh cho Tổ Quốc, cho Dân tộc cũng như hy sinh cho Đạo Pháp….
Trong những tấm gương người nữ ngày xưa đệ tử cấp nhứt của Đức Ngô có bà Tư thế danh là Trần Thị Hường, đạo danh là Minh Hồng, tiên tịch Thầy ân phong Thánh danh là Như Ý Nương Nương. Bà được về cõi Tiên Diêu Trì Cung hầu Đức Diêu Trì Kim Mẫu, bà là người Cần Thơ, bà sớm giác ngộ thọ pháp của Đức Ngô tu hành đến năm 1958 bà qui Tiên, đó là thời kỳ mở đạo Cao Đài Chiếu minh năm Bính Dần và có rất nhiều vị nữ tu hành đắc đạo thời ấy, thời kỳ tiếp theo có bà Trần Thị Đợi Thánh dnh Minh Đại, bà Từ Thị Hai Thánh danh Huệ Thông các vị nầy điều là những vị nữ tu tiêu biểu của Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi. Các vị là người truyền giáo dạy pháp, đã có quá trình tận tụy chăm lo dìu dắt đàn em nữ phái tu tập và lập công bồi đức đậm nét, cũng như ra sức gìn giữ chơn truyền chánh pháp và hình thành nên lịch sử đạo trong công cuộc phát triển cơ tuyển độ tại Cần Thơ lúc bấy giờ.
Trong buổi tọa đàm hôm nay, chúng ta khẳng định Đức Thượng Đế mở đạo kỳ ba Ngài không phân biệt Nam Nữ hầu như bình đẳng để các con Ngài tu hành mau đắc thành quả vị. Hiện tại Pháp Môn Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi có rất nhiều vị nữ tu thời còn rất trẻ và phụng sự đạo pháp cho đến lúc tuổi già bóng xế và cũng tiếp nhận sự ban ân đãi ngộ của Đấng Thượng Đế rất công bình trong thời kỳ nầy.
Tóm lại nữ phái đã góp phần xây dựng cùng với xã hội, đã có mặt trong khắp các ban ngành trên cả đất nước. Việt Nam chúng ta có những người nữ tu hành chơn chánh, hạnh đức đủ đầy, khiêm cung hòa nhã, tận tụy hy sinh dìu dắt đàng em tu hành nên Tiên nên Thánh, sử sách đạo pháp còn ghi lại vẻ vang, và tình yêu quê hương đất nước không thua kém gì phái nam.
Đến đây xin kết thúc bài viết, chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp, chúc quí đại biểu thân tâm an lạc và nhất là phụ nữ Cần thơ luôn luôn sống nhân nghĩa đạo đức vẹn toàn để mãi còn lưu lại mai sau.
Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát./.
Bài tham luận:
NỮ PHÁI ĐẠO CAO ĐÀI TPCT
SỐNG TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO
LÊ MINH SƠN
(Cố vấn Ban Qui Ước)
Trong xã hội loài người có nam, có nữ, có trẻ, có già, có khôn, có dại, có giỏi, có dở, có giàu, có nghèo, có mạnh khỏe, có bệnh tật v.v… và cũng lực lượng nầy làm ra mọi của cải vật chất nền văn hóa dân tộc để đảm bảo cuộc sống cho con người trong xã hội kể cả nền công nghiệp hiện đại, khoa học kỷ thuật, dời non lấp biển. Trong đó nữ phái chiếm khoản phân nữa 45% dân số có vai trò nhiệm vụ chức năng hết sức đặc biệt.
Nói riêng Tôn giáo Cao Đài đến nay số lượng chung khoản 2.500.000 tín đồThành phố Cần Thơ có 6 Phái đạo Chiếu Minh Tam Thanh, Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, Cao Đài Chiếu Minh, Cao Đài Tiên Thiên, Cao Đài Chơn Lý, Cao Đài Thượng Đế, 1 Thánh Tịnh độc lập, chung có 27 Thánh Thất, Thánh Tịnh, có 21.216 tín đồ, chức việc 457, chức sắc 97 ở rãi rác trong Thành phố, vai trò nữ phái đạo Cao Đài đối gia đình, xã hội không khác người lương.
*Vai trò nữ phái trong gia đình ngày xưa Phụ nữ chân yếu tay mềm, khuê môn bất xuất, nữ sanh ngoại tộc…Nhưng phụ nữ là người thầy đầu tiên của con người khi sanh con ra tiếng nói đầu tiên với đứa con là của người mẹ lời ru, tiếng hát, dạy dỗ, đứa con học đầu tiên cũng là của mẹ, lời nói, nết ăn, nết ở sanh hoạt , thậm chí cả thái độ đối xử, cách ở đời. Phụ nữ còn là trung tâm đoàn kết, xây dựng hạnh phúc trong gia đình nuôi con khỏe dạy con ngoan, phụ nữ là niềm vui của mọi người từ trong bửa ăn, tiếp khách, đám tiệc, bạn bè, người phụ nữ là nguồn an ủi, niềm tin yêu trong gia đình để con cái thố lộ tâm tư nguyện vọng thầm kín.
Người phụ nữ phải có đức tính tam tùng tứ đức, tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử, nhưng các cái tùng phải dân chủ, chánh đáng, phải hòa, tự giác. Tứ đức: đức công, đức ngôn, đức dung, đức hạnh, kính già yêu trẻ, giàu tình thương, trọng lẽ phải, hiếu thảo Tổ tiên ông bà, cha mẹ, phải tạo đồng thuận, xây dựng đoàn kết đạo đức gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc và làm việc minh bạch, không chia rẻ, phiền hà, dụng
dặt, trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, không bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em. Người phụ nữ có vai trò nhiệm vụ hết sức quan trọng trong gia đình được tôn vinh, nếu người phụ nữ ngược lại thì gia đình không thể hạnh phúc, phát đạt, con cái bơ vơ, có thể tan vở, điều quan trọng đầu tiên là đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn, râu tôm nấu với ruột bầu, chồng hòa vợ thuật gặt đầu khen ngon. chồng khôn vợ đặng đi giầy, vợ khôn chồng được ra ngoài làm quan. Muốn cho Họ đạo tốt các tín đồ phải tích cực, chức việc, chức sắc tích cực hoạt động, người đứng đầu phải là động lực thúc đẩy tiêu biểu, gương mẫu.
Người nữ phải trong Tôn giáo xây dựng Họ đạo. Nói đến Tôn giáo là nói đến tu hành hiền đức tu nhân tích phước lập công bồi đức, tu tánh luyện mạng, giáo dân vi thiện tốt đời đẹp đạo….Nữ phái trong Tôn giáo có tín đồ, chức việc, chức sắc trước hết lo tu tâm dưỡng tánh, làm công quả, lo hành đạo, tùy theo nhiệm vụ trách nhiệm để phát huy dìu dắt hướng dẫn tín đồ đoàn kết lo việc đạo học tập giáo lý, đi lễ đạo tu bổ xây dựng nơi thờ cúng khang trang, giữ gìn tâm đạo đoàn kết hiền hòa, thương người mến vật, tôn sư trọng đạo, chung sức chung lòng xây dựng họ đạo chị ngã em nâng tốt đời đẹp đạo, họ đạo văn hóa, Họ đạo tiên tiến, văn minh, ngoài ra đạo phải gắn với đời, đạo đời tương đắc xây dựng quê hương đất nước, con người phải đi bằng 2 chân, chân đời, chân đạo tích cực tăng gia, xây dựng đoàn kết đạo đời, xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường, xóa đói giảm nghèo, làm việc từ thiện xã hội v.v…Đó chính là làm phước, làm công quả, làm sáng danh Họ đạoThánh Thất Thánh Tịnh. Trong thực tế những nơi nữ phái thực hiện tốt vai trò thì Họ đạo tốt đẹp, nếu không tốt Họ đạo xảy ra nhiều vụ việc rắt rối cơ đạo chìm đắm ảnh hưởng không tốt.
*Nữ phái đạo Cao Đài tham gia công việc xã hội:
Đạo Cao Đài có nhiều phái đạo và qua quá trình dài không sao nắm được đầy đủ hơn nữa công việc xã hội quá nhiều có thể nói nam gới tham gia công việc xã hội như thế đó. Nhưng ở đây xin nói khiêm tốn nữ phái đạo Cao Đài thành phố Cần Thơ tham gia công việc xã hội khá là làm từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, khám bệnh phát thuốc miễn phí, đoàn kết tương trợ tình làng nghĩa xóm, các mặt khác hạn chế hơn, vì thực tế đạo Cao Đài trình độ văn hóa thấp, lại không có trường lớp bồi dưỡng, đào tạo, trong khi nữ phái ít nhiều còn tự ti cho mình thấp kém có nơi còn có khẩu hiệu đạo tuyệt đối không tham gia chính trị, quân sự…, từ đó nhơn tài kém, so với nhiều Tôn giáo khác.
Lãnh vực xã hội rất đa dạng chánh trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng cao cả là dám hy sinh tài sản tánh mạng lo cho quê hương đất nước dân tộc nữ phái đạo Cao Đài lãnh vực nầy khá tốt, gần như Thánh Thất, Thánh Tịnh nào cũng có nữ phái nuôi chứa bảo vệ cán bộ, bộ đội Cách mạng tham gia đấu tranh, biểu tình tham gia công tác Cách mạng bị giặc Mỹ và tay sai bắt bớ đánh đập khảo tra dã man tù đày, có chị có con bị bắt nhiều lần không sờn lòng, không lùi bước, có chị Ngoại viện phó Cao Đài Chiếu Minh chở bom đánh sập cầu, đem chất nổ đánh cho chiêu hồi làm chúng chết và bị thương. Cao Đài Minh Chơn Đạo trong Mặt trận Cao Đài đánh Tây tại Giồng Bướm, Xã Phong Thạnh, Huyện Giá Rai, Bạc Liêu năm 1946 có Chị Lễ Sanh Lê Thị Lượm cầm gươm núp trong kho thóc, giặc Tây tràn tới chị nhào ra chém ngã gục 1 tên, chị cũng hy sinh. Cũng Minh Chơn Đạo cũng có 2 bà nữ Phối Sư Hương Sang, Hương Chín tuổi cao sức yếu, đầu tóc bạc phơ trong kháng chiến chống Mỹ tham gia Ban chấp hành Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Trung Ương từ đất mũi Cà Mau, miền Tây Nam Bộ mang tâm tư nguyện vọng cũa nữ giới ra Hà Nội trái tim của Tổ Quốc và tiếp thu Chủ trương Chính sách từ Hà Nội về đất mũi Cà Mau, Miền Tây Nam Bộ trong đó có Cần Thơ, trong kháng chiến 2 bên đi lại nhiều lần như thế. Cao Đài Chiếu Minh có 2 bà Phối Sư Hương Châu, Hương Tỷ ăn chay trường 3,4 mươi năm, xuất gia ở Tòa Thánh tham gia nhiều cuộc đấu tranh trực diện quận Cái Răng, tỉnh Phong Dinh và hằng năm tổ chức đi thăm tù chính trị ở khám lớn Cần Thơ. Ở đây còn có 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng là bà Nguyễn Thị Mỹ có 6 người con thì 4 người con tham gia công tác Cách mạng, hy sinh 2 người. Bà Nguyễn Thị Hạnh có 7 người con, trong đó có 6 người là Đảng viên, trong 6 người có 2 người hy sinh, 4 chiến sĩ nữ tù cũng là 4 thương binh. Hai bà được Chính Phủ truy tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Ở Cao Đài Tiên Thiên Thánh Tịnh Tam Kỳ Hoa Phụng Hiệp có 6 bà Mẹ Việt nam anh hùng, Thánh Tịnh Trước Mai ở Trường Thành – Thới Lai có 5 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng……
Cuộc tọa đàm của chúng ta hôm nay đã nói lên phần nào vai trò của nữ phái Đạo Cao Đài trong gia đình, họ Đạo và một phần xã hội. Những cái tốt, tích cực, tấm gương là đóa hoa tươi thắm, hương thơm, chúng ta hãy phát huy trong từng gia đình, họ Đạo cho thơm ngát xóm làng, gia đình hạnh phúc ấm no, Họ Đạo văn hóa tốt đời đẹp Đạo, góp phấn xây dựng xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh. Trong kháng chiến chúng ta cũng nghe, thấy có những bà, chị, em gát dùi chuông, buông dùi mõ, xếp cuốn Kinh để lên trang khoát áo tràng đi cứu nước góp vào thành tích chung, cho nên phụ nữ Việt Nam được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Thân ái kính chào!
Xin cảm ơn./.