NGHI LỄ CƠ BẢN

...

NGHI LỄ HỘI THÁNH CAO ĐÀI CHIẾU MINH

TÒA THÁNH LONG CHÂU

I/- PHẦN NGHI LỄ CƠ BẢN

  1. 1.

- Ý NGHĨA NGHI LỄ

Nghi: là nghi thức, phép tắc phải theo, là những phương thức biểu lộ sự cung kính một cách trang nghiêm đối với các đấng vô vi bề trên và để tôn thờ, xưng tụng, tôn kính, nhớ ơn…

Lễ: Những ngày có tổ chức hội tựu lớn, có ý nghĩa, truyền thống, nhớ ơn, hoặc kỷ niệm, thành lập, mừng, chúc v.v…Lễ cũng là đạo đức chung về nhân phẩm, nhân cách vốn có của con người, gọi là đạo đức con người. Thành ngữ có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nên mọi hình thức sinh họat truyền thống có giá trị tâm linh nhằm đánh dấu những thời điểm quan trọng trong tiểu sử cuộc đời hay lịch sử chung nhân loại.

Nghi lễ: Là những quy định và trật tự khi tiến hành một cuộc lễ. Tất có quy định mẫu mực từ những khuôn thước lễ nghi được sắp thành bài bản để theo đó mà thực hiện.

Nghi lễ trong dân gian là đạo đức truyền thống, coi trọng tình cảm và huyết thống gia đình. Có những phong tục tập quán nghi lễ luôn được lưu giữ và trường tồn, nhiều nghi lễ quan hôn tang tế không thể thiếu trong các nền Tôn giáo. Trong Nghi Lễ đặc biệt là phần kinh cúng tứ thời, người đạo Cao Đài xem đây là một pháp môn vô cùng trọng đại.

Nghi lễ là một phương tiện dẫn dắt đời sống tinh thần con người đạt đến nguồn chánh tín cứu cánh, hoằng pháp lợi sanh, là mẫu mực chung cho các cuộc lễ nghi, tụng niệm, cũng như phương thức thờ cúng, cách hành lễ, sinh hoạt trong  phạm vi tín ngưỡng của tùy theo mỗi Tôn giáo khác nhau, vì bất cứ một Tôn giáo nào cũng phải có những hình thức nghi lễ để tiêu biểu tinh thần đạo vị của mình, mặc dù trên hình thức âm điệu của mỗi Đạo giáo có phần khác nhau nhưng mục đích vẫn là sự chí thành cầu nguyện, tán thán vị giáo chủ mà mình đã tín ngưỡng tôn thờ.

Mỗi khi hành lễ, muốn được sự hoà điệu âm thanh nhịp nhàng, tăng phần trang nghiêm cảm ứng, đưa người trở về trong tâm thức của ý nghĩa đạo pháp cao cả, chúng ta cần phải có những pháp khí để làm phương tiện hỗ tương trong những chương trình đại lễ như  Lôi âm cổ, Bạch Ngọc Chung, Thanh chung, nhịp xanh, nhạc công, cùng âm giọng bổng trầm của Ban đồng nhi từ câu kinh tiếng kệ hòa theo các thể điệu truyền thống Việt Nam như Nam Ai, Nam Xuân, Đảo Ngũ Cung …

Phải thành kính trong khi hành lễ, thành và kính là hai yếu tố cần phải có trong một buổi lễ. Phải thận trọng trong cử chỉ và hành động, tâm phải chuyên chú hướng đến Thiên bàn để tạo sự trang nghiêm trong buổi lễ, không làm mọi người chung quanh mất tập trung tâm ý thành kính hiến dâng.

Khi thực hiện một nghi thức hành lễ chúng ta phải theo đúng quy định Nghi lễ của Hội Thánh ban hành, dù là một buổi lễ đơn giản. Điều cần thiết là phải nói lên được tinh thần buổi lễ và có sự tín tâm chí thành của mọi người chung quanh.

Hình thức Nghi lễ đối với Đạo Cao Đài rất nhiều, nhưng riêng Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh – Tòa Thánh Long Châu được tóm lược và quy định trong Lễ Bổn nầy có đủ các phần nhưBottom of Form trong Nghi thức các phần tế lễ được lập thành nhiều nghi tiết như: Nghi tiết Đại lễ Đức Chí Tôn, Nghi tiết Đại lễ Hội Yến Bàn Đào Diêu Trì Cung, Nghi tiết lễ Tế Chiến Sĩ, Nghi tiết lễ Kỷ niệm Tri ân Chư vị Tiền Bối quá vãng v.v…

Là người tín đồ Đạo Cao Đài chúng ta phải luôn luôn tinh tấn tụng niệm. Mục đích chính là hướng dẫn con người trở về cảnh giới an vui giải thoát. Do đó học và hiểu rõ giá trị nghi lễ, để áp dụng đúng với ý nghĩa của nó, ngoài ra còn phải hiểu rõ được các nghi thức cũng như lễ phẩm đặc thù áp dụng một phương tiện tốt đẹp cho công việc tu dưỡng bản thân, và cảm hoá mọi người, đưa mọi người vào đạo một cách tốt đẹp, cũng như làm cho tổ chức ngày một thăng tiến.

1.2. Ý NGHĨA LỄ NHẠC

ĐẠO CAO ĐÀI

- NHẠC LỄ CAO ĐÀI

Nhạc lễ Đạo Cao Đài mang tính hài hòa, trật tự và thành kính vì nếu không có sự đồng thông, đồng âm, đồng điệu, hòa nhịp, hòa duyên cùng nhau thì không thể thành nhạc, nên trong nhạc phải có hòa. Khi trong tâm hồn có sự điều hòa là trừ được tư tâm, phàm ngã, luôn thể hiện lòng thành kính, kính dâng, cũng như sự trọng thể của lễ nghi. Nên trong lễ có nhạc, trong nhạc có hòa, trong hòa có lễ.

Lễ và Nhạc còn bao hàm ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm trong Bát hồn vận chuyển. Nhạc đại biểu cho trạng thái hoà thuận êm ấm nhất của vạn vật trong trời đất; Lễ đại biểu cho tình thái trật tự tốt nhất của vạn vật trong trời đất. Có được hòa thuận êm ấm cho thì vạn vật mới được tự nhiên tư sinh hoá dục. Nguồn gốc nhạc lễ được khởi nguyên từ lý âm quang và sanh quang bát hồn vận chuyển, ngũ hành vận hành nghĩa lý rất sâu xa mầu nhiệm. Nên dùng lễ nhạc để kính dâng lên các đấng Thiêng Liêng sẽ tiếp nhận được nhiều hồng ân cao cả.

Khi vào làm lễ, lúc Nhạc Tấu Huân Thiên; tức là lễ hiến dâng sự sống cho Ðức Chí Tôn là Thầy của cả càn khôn vạn vật, tất cả phải đứng ngay ngắn, nghiêm chỉnh. Nhạc là hưởng ứng của cả khối sanh quang, của càn khôn vạn vật đồng thinh.

Các vật vô năng mà nói đặng, lại có trật tự niêm luật hòa nhau ấy là đạt đạo, hiệp lại với tiếng kinh mình đọc là âm thinh, nghĩa là con người cùng vạn vật đồng thinh hiến lễ. Nơi Thầy ngự là Ngọc Hư Cung có đôi liễn: Bát hồn vận chuyển ca Huỳnh lão, Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn. Đây là tâm pháp cao siêu chỉ rõ từ Khối Đại Linh Quang chiết sanh ra các Tiểu Linh quang, trong đó còn gọi là Bát hồn vận chuyển, mà nguồn khởi nguyên từ âm thinh đầu tiên trong vũ trụ. Âm thinh là khởi điểm biến sanh đầu tiên trong vô tận.

Nhạc Cao Đài luôn sử dụng theo nhạc cổ điển Việt Nam không pha chế, hòa trong Pháp khí kinh điển Cao Đài tạo thành âm nhạc để thiết cúng, mục đích nhạc lễ là để nương theo âm điệu hoà với tiếng kinh để tất cả đều tập trung một cách chí thành hiến dâng các đấng Thiêng Liêng trong giờ hành lễ.

- Ý NGHĨA LỄ NHẠC

Qua bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ngày 01/08 Đinh Hợi 1947 tại đền Thánh ⁽ [1] ⁾ có nêu trích Thánh giáo Ðức Lý Giáo Tông dạy rằng trên Ngọc Hư Cung có hai câu liễn :


Phía hữu : Bát hồn vận chuyển ca Huỳnh Lão.

Phía tả    : Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn.

Kể từ phôi thai càn khôn vạn vật nầy, Chí Tôn là khối sanh quang, biến thành hai khối sanh khí, hai khối ấy trụ lại thành một khối lớn tương hiệp nhau mới nổ sanh tiếng âm, người ta gọi là nổ ầm, hay nghe tiếng Ni, Ðạo Phật sửa lại thành Úm ( Úm ma ni bát rị hồng ) nhờ tiếng nổ ấy bát hồn mới vận chuyển biến sanh vạn vật và loài người.'

Tiếng ấy bay ra nghe đến đâu thì khí sanh quang đến đó tức là có sự sống đến, bằng chẳng nghe được thì nơi ấy tiêu diệt nghĩa là chết mất mà thôi.

'Bởi cớ nên dùng những vật bát âm, nó đã chết đi rồi như cái trống chẳng hạn là tấm da trâu đã chết mà với sự khôn ngoan của loài người nó mới có tiếng kêu được tức là làm cho nó sống lại được, nghĩa là bát hồn ấy vận chuyển sống lại mà đảnh lễ Ðức Chí Tôn, vì cớ nên khi nghe Nhạc Tấu Huân Thiên là có âm thinh sắc tướng, song hiểu xác lý: Khi dâng lễ Chí Tôn quy pháp định, thấy và nghe cả Bát Hồn vận chuyển dâng cái sống cho Ngài”.

Nên chi từ đây, khi Nhạc Tấu Huân Thiên chúng ta xem quý hơn dâng Tam Bửu, dầu phải lỡ đi nửa chừng trong Ðền Thờ, nghe đến đó phải dừng lại, cấm không được đi lộn xộn để khỏi giảm điều kính trọng dâng cho Chí Tôn mà không nên.

Lễ Nhạc do nơi âm thinh, bởi thế nên chúng ta thấy dù khắp muôn nơi từ nghìn xưa đến giờ phút nầy, dầu văn minh thế nào mà hiểu đặng nền tăng tiến lễ nhạc thì đều khen ngợi. Từ xưa danh Ðức Khổng Tử chỉnh đốn hoàn bị nền lễ nhạc có phương thế làm môi giới là khí cụ cho toàn vạn quốc đương buổi nầy, lấy tư cách lễ độ làm ngoại giao, nên Nhạc lễ Cao Đài tôn vinh Đức Thánh Khổng Tử làm vị Thánh Tổ.

Nhạc được sản xuất trong tinh thần, mà tinh thần mới thiệt là Ðạo. Tại sao Nhạc là Lễ ? Dù cho nhiều loại đờn, kèn, trống âm thanh khác nhau, nhưng hòa âm cùng nhau đều giống nhau ở nhịp trường canh, ở nơi âm điệu, ở sự bổng trầm khoan nhặt, khi thì sâu lẳng, lúc vút tận trời mây do sự đồng điệu hòa lẫn tạo thành không hề riêng rẻ.

Trong khuôn khổ hòa điệu với nhau ấy là lễ. Cho nên lễ nhạc do nơi kết hợp hòa âm gọi là nhạc hòa, vì nhạc mà không hòa thì không thể thành nhạc.

-         BÁT HỒN VẬN CHUYỂN

+ Kim thạch hồn

+Loài Kim thạch có sự sống chưa thể hiện rõ rệt, nó chỉ là sự liên kết của các tế bào tạo thành tinh thể rắn chắc. Loài kim thạch hoàn toàn không có tri giác.

+ Thảo Mộc hồn

Thảo mộc hồn, được Thượng Đế ban cho một điểm nguyên hồn để làm Sanh hồn, tạo nên sự sống. Điểm nguyên hồn nầy được Đấng Thượng Đế rút ra từ khối Đại hồn (Đại Linh Quang) của Ngài.

Loài Thảo mộc chỉ có sự sống mà chưa có tri giác.

Loài Thảo mộc cấp cao thì lá biết khép lại khi đêm xuống hay khi bị đụng chạm, như cây su đũa, cây mắc cỡ; vài loại Thảo mộc có cánh hoa phát ra mùi thơm để dụ côn trùng bay đến rồi khép các cánh hoa ấy lại đặng bắt côn trùng mà hút thịt và máu. Như thế, chúng đã có chút ít tri giác nhưng rất thô sơ, gần như chỉ là những phản xạ tự nhiên.

Từ Vật chất Hồn tiến lên một bậc trong nấc thang tiến hóa đó là Thảo Mộc Hồn.

Như thế, ý nghĩa đầu tiên của sự tồn tại của Thảo Mộc Hồn là học hỏi về sự sinh tồn trong thiên nhiên được Thượng Đế ban thêm cho một điểm nguyên hồn nữa để làm Giác hồn, tạo ra sự hiểu biết, như đau đớn biết la, sợ hãi biết chạy trốn, biết đi tìm thức ăn thích hợp, biết tìm chỗ ẩn trú an toàn, biết nuôi con, có chút ít trí nhớ nhưng rất sơ sài.

+ Thú cầm hồn

Các loài động vật xuất hiện ban đầu chỉ có một hình thức là động vật ăn thực vật. Nhưng trong quá trình sinh sống và phát triển thì có những khu vực mà nơi đó các loài động vật phát triển quá nhanh, làm cho số lượng thực vật giảm đi, để cho cân bằng sinh thái thì các loài động vật ăn thịt xuất hiện.

+ Nhân hồn

Nhân hồn thuộc Nhơn loại, là đẳng cấp cao nhứt của chúng sanh, được Thượng Đế ban thêm cho một điểm nguyên hồn nữa để làm Linh hồn, lúc đó sự hiểu biết mới được hoàn toàn.

Nhờ linh hồn, con người có được sự hiểu biết, sự suy nghĩ, phán đoán, biết được lẽ phải trái và có tính linh. Đến đây, con người có đủ Tam Hồn là: Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn. Nhân hồn có 3 dạng người: Hóa nhân, Nguyên nhân, Chân nhân.

+ Thần hồn

Từ Nhơn Hồn mà biết làm lành lánh dữ, học hỏi cho trí thức tinh thần phát triển và làm những việc hợp lẽ Đạo đối với cuộc sống thì sẽ đạt được phẩm Thần Hồn hay Thánh Hồn tùy theo công nghiệp nhiều hay ít.

+ Thánh hồn

Từ Thánh Hồn cũng từ làm lành lánh dữ, học hỏi cho trí thức tinh thần phát triển và làm những việc hợp lẽ Đạo đối với cuộc sống thì sẽ đạt được phẩm Thần Hồn hay Thánh Hồn tùy theo công nghiệp nhiều hay ít.

Thần Hồn thành Thánh Hồn thì cũng lo điều đình những việc xảy ra trong vũ trụ.

Nhiệm vụ của  Thánh vị là giúp đỡ, hộ trì cho loài người và các phẩm thấp hơn trước thế lực cường quyền của tà quái, của lực lượng đối kháng cùng Thượng Đế.

+ Tiên hồn

Thần hồn và Thánh hồn khi lập công bồi đức, tạo được nhiều thiện nghiệp, học hỏi thêm nhiều điều về trí thức tinh thần, vẹt được thêm phần nào lớp màn vô minh, hoàn thành được sứ mạng của mình, dẫn dắt được con người hướng về cửa Đạo. Khi ấy thì phẩm vị sẽ được thăng lên phẩm Tiên Hồn. Bên cạnh đó, có những bậc tu hành đạt Đạo, vẫn còn mang thể xác phàm, nhưng Chơn hồn đã lên đến phẩm Tiên hồn được gọi là Tiên nhân.

Lên đến phẩm Tiên hồn là đã vào hàng Trọn lành, lo việc đào luyện về trí thức, tinh thần, đạo đức cho các phẩm thấp hơn.

+ Phật hồn.

Sự Tiến hóa đi lên của Nhơn hồn, khi đã đến Phật hồn rồi thì chưa phải là đến mức tận cùng của nấc thang tiến hóa. Phật hồn còn phải tiếp tục tu luyện để tiến hóa lên mức tận cùng tối cao là Thiên hồn, tức là Đại hồn của Thượng Đế.

Tới đây mới giáp một chu trình tiến hóa của Vạn linh, bởi vì Vạn linh xuất phát từ Thiên hồn (Đại Hồn, Đại Linh Quang, Thái Cực), đi chu du một vòng tiến hóa, trải qua Bát hồn, nay trở về hiệp nhập vào Đại hồn của Thượng Đế là đúng một chu trình tiến hóa.

Qua tìm hiểu sâu xa trong ý nghĩa nhạc lễ Cao Đài mang âm hưởng văn hóa của dân gian Nam Bộ với điệu Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung; Thể thơ Song thất lục bát, Tứ tuyệt, Bát cú khi hành lễ. Người Đạo Cao Đài luôn có Ban lễ nhạc với các dụng cụ âm nhạc truyền thống như đàn cò, đàn kìm, phách, sáo, nhị v.v… cũng như các thể điệu truyền thống Việt Nam như Ba nam, Sáu bắc, Bảy bài …và luôn luôn sử dụng từ cây đàn cò làm đàn chánh,

Đây cũng là phương cách siêu độ mà Ơn Trên đã dạy cho người tín hữu Cao Đài thực hiện trong thời Tam Kỳ Phổ Độ này .

Đây cũng chính là lễ mà các chơn hồn mới giác ngộ còn đang ở trong cõi âm quang  được tiếp dẫn ra khỏi cảnh nầy để đi tu học, hoặc các chơn hồn đã giác ngộ nay lại lập thêm được nhiều công hạnh mới nên được thăng hoa lên phẩm vị cao hơn...Các chơn hồn giác ngộ này đã được Ơn Trên ví như những cánh hoa Trời xinh đẹp.  Chơn giác đồng đăng Thiên hoa đài vị;  có nghĩa là các chơn hồn giác ngộ đều được thăng lên ngự trên đài hoa Trời do Thượng Đế ban trong Tam Kỳ Phổ Độ .

1.3. NGHI LỄ HỘI THÁNH

CAO ĐÀI CHIẾU MINH

TÒA THÁNH LONG CHÂU

Phải giữ gìn chuẩn mực cho mọi hình thức hoạt động đạo sự Quan Hôn Tang Tế, được sắp xếp gọn nhẹ phù hợp với một phái đạo vừa lo cơ Phổ độ vừa lo pháp đạo cơ Tịnh độ, nhưng tương đối đầy đủ về kinh lễ, kinh luật, nhạc, lễ, hòa. Về việc thờ phượng và kệ kinh luôn dựa trên nền tảng truyền thống lâu đời của Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh - Tòa Thánh Long Châu. 03 Nhạc, Lễ, Đồng nhi trong Ban Nghi Lễ khi đến các nơi tùy theo yêu cầu để làm nhiệm vụ đảm trách trong tang tế sự, tuyệt đối không nhận bất cứ một vật lễ nào của gia đình, người thân đáp tạ.

Nghi lễ là một trong những trọng tâm của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nghi lễ đã được quy định những nét căn bản trong việc Quan hôn tang tế, biểu tượng thờ phượng, ý nghĩa cách cúng lạy v.v… Nghi Lễ Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh - Tòa Thánh Long Châu cũng là một công trình chung cho toàn phái đạo nầy. Lập thành Lễ Bổn được Hội Thánh kiểm duyệt và toàn đạo nhất trí cao để cùng thực thi trên đường hành đạo phụng sự nhơn sanh.

1.4. CÁCH CHẤP TAY VÀ XÁ, LẠY

          -Ý NGHĨA VÀ CÁCH CHẤP TAY

          Khi hai tay chấp lại, thì ngón tay cái của bàn tay trái khuyết ấn tý trong bàn tay trái, còn ngón tay cái của bàn tay phải thì chỉ vào khuyết Dần của bàn tay trái. Hai bàn tay chấp úp lại với nhau (hoa sen nở), khác cách chấp tay óp tròn (hoa sen búp).

          Dù đang đứng, quỳ, xá, lạy hay đang đánh chuông thì tay trái vẫn luôn luôn khuyết ấn tý trong bàn tay trái.

          Khi lạy xuống thì hai bàn tay ngửa ra, tay trái giữ nguyên khuyết ấn tý và nằm 1/3 trên bàn tay phải, tức trên 2 ngón Áp và Út của bàn tay phải.

Ngón tay cái của bàn tay trái là Dương cực ở bàn tay Dương (bàn tay trái là bàn tay Dương) để khuyết ấn Tý là cung chỉ về “Thiên Khai ư Tý”, tức Trời khai vào Hội Tý. Còn dùng ngón tay cái của bàn tay phải là Âm Cực (bàn tay phải là bàn tay Âm) chỉ vào khuyến Dần của bàn tay trái (Nhơn sanh ư Dần: Người sanh vào hội Dần). Như vậy Âm cực chỉ vào khuyết Dần, Dương cực chỉ vào khuyết Tý là sự biểu hiện Người đang dâng lên Trời vậy.

Đặc biệt: Người tu tịnh Phái Chiếu Minh trong việc lễ nghi cách chấp tay, xá, lạy luôn giữ khuyết ấn Tý một cách toàn diện. Nghĩa là dù khi xá hay khi lạy xuống, thì bàn tay trái vẫn luôn giữ khuyết ấn Tý. Hoặc lúc tay phải đang cầm dùi đánh chuông, thì bàn tay trái vẫn giữ xòe thẳng lên, để nơi ngực và khuyết ấn Tý.

- Ý NGHĨA KHI QUỲ VÀ LÚC ĐỨNG LÊN

          Khi đứng vào vị trí hành lễ hướng về Thiên bàn xá 3 xá rồi quỳ, Cách quỳ Nam bước chân trái tới, chân phải quỳ, chân trái quỳ theo. Nữ bước chân phải tới, chân trái quỳ, chân phải quỳ theo. Còn khi cúng xong lúc đứng lên thì Nam chân trái dựng lên trước rồi đứng lên. Nữ chân phải dựng lên trước rồi đứng lên, xá 3 xá rồi Nam Nữ đều theo hướng tay trái mà quay về phía sau xá 1 xá. Xong bước ra hai bên, nam theo nam, nữ theo nữ. sắp hàng thẳng hướng về Chánh điện. Chờ chuông xá đàn và mãn lễ.

Cách quay về phía sau xá 1 xá, nghi nầy chỉ có tại Hội Thánh, Thánh Tịnh, Nhà Tịnh, Điện thờ Phật Mẫu vì những nơi nầy phía sau có bàn thờ Hộ Pháp còn Điện Thờ Phật Mẫu tuy phía sau không có bàn Hộ Pháp nhưng để tưởng nhớ khí Sanh quang của Đức Mẹ là nguồn sinh dưỡng luôn che chở và bảo vệ các con. Còn cúng tại Tư gia thì khỏi quay về phía sau để xá.

          - Ý NGHĨA VÀ CÁCH XÁ

Việc xá lúc đứng hay quỳ hoặc khi lạy đều phải giữ đúng ý nghĩa Thiên Địa Nhân như sau: chấp tay đưa lên (Thiên), đưa xuống (Địa), rồi rút vào ngực (Nhân). Khi đưa lên hay đưa xuống không cần quá cao hay quá sâu mà chỉ cần có thể hiện tượng trưng là đủ.

          - Ý NGHĨA VÀ CÁCH LẠY

          + Khi lạy thì hai bàn tay ngửa ra và luôn giữ khuyết ấn tý trong bàn tay trái, Đồng thời, bàn tay trái (Dương) nằm 1 phần 3 trên bàn tay phải (Âm).

          + Lạy Thầy (Đức Chí Tôn) 12 lạy, (tức 3 lạy, mỗi lạy 4 gật) vì Thầy làm chủ Thập Nhị Khai Thiên.

          + Lạy Mẹ (Đức Phật Mẫu) 9 lạy. (Tức 3 lạy, mỗi lạy 3 gật) Vì Đức Mẹ làm chủ Cửu Thiên Khai Hóa).

          +Lạy Phật Tiên 9 lạy. (Tức 3 lạy, mỗi lạy 3 gật) Vì chư Phật Tiên trong hàng Cửu Thiên Khai Hóa).

          + Lạy Thánh Thần 3 lạy (Vì Thánh Thần vào hàng thứ 3 trong 5 bậc tiến hóa.

          + Lạy người sống 2 lạy (Vì 1 lạy Âm, 1 lạy Dương. Âm Dương là nguồn bản sự sống)

          + Lạy Vong linh 4 lạy (Vì 1 lạy Âm, 1 lạy Dương và 2 lạy Vong linh).

1.5. THỈNH THÁNH

-Ý NGHĨA THỈNH THÁNH

Thỉnh Thánh là lời thỉnh nguyện đầu tiên khi hành lễ trước Thiên bàn để trình các Đấng Vô Vi gồm lấy dấu Phật, Pháp, Tăng và 5 câu nguyện theo quy định của Phái đạo.

-CÁCH THỈNH THÁNH

Thỉnh Thánh bao gồm sự kỉnh Phật, Pháp, Tăng và và 5 câu nguyện các Đấng như sau:

          + Hai tay chấp lại đưa lên trán niệm   : Nam mô Phật.

          + Đưa qua trái                                    : Nam Mô Pháp

          + Đưa qua phải                                    : Nam mô Tăng.

Rồi đưa lên trán từ từ xá xuống niệm:

          + Nam Mô Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Đại Thiên Tôn.

          + Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn.

          + Nam Mô Tam Giáo Tổ Sư, Tam Trấn Oai Nghiêm.

          + Nam Mô Ngôi Hai Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn.

          + Nam Mô Nhị Thiên Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn.

  1. 1.6.LÔI ÂM CỔ

Lôi Âm Cổ (trống chầu) để thực hiện các lễ nghi nơi Hội Thánh, Thánh Tịnh vào các kỳ Vía lớn hoặc ngày rằm nguơn thường lệ mới cúng Đại Đàn hoặc Trung Đàn.

Các lễ Trung Đàn có dâng sớ nhưng khỏi Lễ sĩ đi dâng.

Mỗi kỳ Đại Đàn hay Trung Đàn thì có đánh Lôi Âm Cổ và Bạch Ngọc Chung, còn Tiểu Đàn chỉ có Bạch Ngọc Chung mà thôi.

Lưu ý: Trước khi đánh Lôi Âm Cổ hay Bạch Ngọc Chung cũng phải giỗ nhè nhẹ 2 tiếng để báo tin trước.

     - KỆ LÔI ÂM CỔ ĐẠI ĐÀN

     (Đọc 4 câu, mỗi câu 1 tiếng như sau):

+ Lôi âm thánh cổ triệt hư không.                 (1 tiếng)

+ Truyền tấu Càn Khôn thế giái không.       (1 tiếng)

+ Đạo pháp đương kim dương chánh giáo.   (1 tiếng)

+ Linh quang chiếu diệu Ngọc kinh cung.     (1 tiếng)

* HỒI TRỐNG THỨ NHỨT

+Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng tiếng cho đến 7 tiếng, rồi đánh nhồi 2 tiếng thành 9 tiếng.

+Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng tiếng cho đến 10 tiếng, rồi đánh nhồi 2 tiếng thành 12 tiếng.

+Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng tiếng cho đến 22 tiếng, rồi đánh nhồi 2 tiếng thành 24 tiếng.

* HỒI TRỐNG THỨ NHÌ

+Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng tiếng cho đến 10 tiếng, rồi đánh nhồi 2 tiếng thành 12 tiếng.

+Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng tiếng cho đến 22 tiếng, rồi đánh nhồi 2 tiếng thành 24 tiếng. Rồi đánh liên thinh đổ vót.

* HỒI TRỐNG THỨ BA

+Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng tiếng cho đến 10 tiếng, rồi đánh nhồi 2 tiếng thành 12 tiếng.

+Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng tiếng cho đến 22 tiếng, rồi đánh nhồi 2 tiếng thành 24 tiếng. Rồi nhịp nhè nhẹ và đánh mỗi lần 3 dùi, đánh đủ 4 lần là 12 dùi. Ấy là thâu Thập nhị khai thiên.

1.7. BẠCH NGỌC CHUNG

          - KỆ BẠCH NGỌC CHUNG ĐẠI ĐÀN

+ Thần chung khởi động thấu Diêm đô, (1 dùi)

+ Địa Tạng khai ân phóng xá cô.          (1 dùi)

+ Vận chuyển Tam kỳ châu hiển hiện,   (1 dùi)

+ Thành tâm sám hối thoát tù đồ.           (1 dùi)

* HỒI CHUNG THỨ NHỨT

+Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng dùi cho đến 7 dùi, rồi đánh nhồi 2 dùi thành 9 dùi.

          +Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng dùi cho đến 10 dùi, rồi đánh n nhồi 2 dùi thành 12 dùi.

* HỒI CHUNG THỨ NHÌ

+ Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng dùi cho đến 10 dùi, rồi đánh nhồi 2 dùi thành 12 dùi.

+ Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng dùi cho đến 22 dùi, rồi đánh nhồi 2 dùi thành 24 dùi. Rồi liên thinh đổ vót.

* HỒI CHUNG THỨ BA

+ Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng dùi cho đến 10 dùi, rồi đánh nhồi 2 dùi thành 12 dùi.

+ Nhịp nhè nhẹ rồi đánh từng dùi cho đến 22 dùi, rồi đánh nhồi 2 dùi thành 24 dùi. Rồi nhịp nhè nhẹ và đánh mỗi lần 3 dùi, đánh đủ 4 lần là 12 dùi. Ấy là thâu Thập nhị khai thiên./.

(Cúng xong đánh chung bãi đàn).

-KỆ BẠCH NGỌC CHUNG TIỂU ĐÀN

          - HỒI CHUNG THỨ NHỨT   (Kệ chung báo đàn)

     (Đọc 3 câu, mỗi câu 1 dùi như sau):

+ Vân chung khấu hướng huệ trưởng Càn Khôn.     (1 dùi)

+ Pháp giới chúng sanh đồng đăng bỉ ngạn.               ( 1dùi)

+ Án dà ra đề dạ ta bà ha.                     (1dùi, Rồi 1 hồi vót)

- HỒI CHUNG THỨ NHÌ   (Kệ chung nhập đàn)

(Đọc 3 câu, mỗi câu 1 dùi như sau):

+ Thiết vi u ám tất giai văn.                                         (1dùi)

+ Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác.                 (1dùi)

+ Án dà ra đề dạ ta bà ha.                       (1dùi, Rồi 1 hồi vót)

- KỆ CHUNG BÃI ĐÀN CỦA ĐẠI ĐÀN VÀ TIỂU ĐÀN

(Đọc 3 câu, mỗi câu 1 dùi như sau):

+ Đàn tràng viên mãn chức sắc qui nguyên, vĩnh mục từ ân phong đều võ thuận.                                                            (1dùi)

+ Thiên phong hải chúng quốc thới dân an, hồi hướng đàn tràn tận thâu pháp giới.                                                            (1dùi)

+ Án dà ra đế dạ ta bà ha./.                                 (1dùi),

Rồi 1 hồi vót, cuối cùng đánh 3 dùi là dứt./.

1.8. THANH CHUNG

(Thanh chung còn gọi là chuông)

      - PHÂN BIỆT 3 LOẠI CHUNG:

          + Tiếng khắc chung, (dùi chung gõ nhẹ trên miệng chung rồi để luôn không giở lên, nghe âm thanh ngắn) là báo hiệu chuẩn bị đọc kinh, hoặc đọc sớ, hoặc khi quỳ xuống, khi đứng lên, khi lạy xong quỳ lên.

          + Tiếng chung vừa (gõ nhẹ, âm thanh ngân nhỏ) là báo hiệu xá, hoặc cúi đầu.

          + Tiếng chung lớn (gõ mạnh, âm thanh ngân to) là báo hiệu lạy.

          - CÁCH HẦU CHUNG HÀNH LỄ

          + Chung 3 tiếng báo tin chuẩn bị hành lễ

          + Chung 6 tiếng báo tin hiện diện đầy đủ.

          + Chung 9 tiếng xá đàn, bước vào vị trí.

          + Chung 12 tiếng xá, quỳ, và Thỉnh Thánh.

Trong khoảng cách thời gian từ hồi chung 3, chung 6, chung 9, hoặc chung 12 không được khắc chung, không làm mất tiếng ngân của chung nầy bước sang chung khác.

          - CÁCH ĐÁNH CHUNG HÀNH LỄ

          + Cách đánh chung 3: Đánh 2 tiếng nhồi rồi 1 tiếng sau là chung 3.

          + Cách đánh chung 6: Đánh 2 lần chung 3 = là chung 6.

          + Cách đánh chung 9: Đánh 3 lần chung 3 = là chung 9.

          + Cách đánh chung 12: Đánh 1 tiếng rồi chung 3, đủ 3 lần như vậy là chung 12).

          Chung hành lễ dành cho mở đầu các lễ Đại đàn, Trung đàn, Tiểu đàn, Hoan, Hôn, Tang, Tế. Mỗi phần trong Quan, Hôn, Tang, Tế, Cúng Tứ thời hằng ngày, và các phần lễ khác như Lễ Thượng Tương, Lễ Thượng Phướn, Lễ Cầu siêu, Lễ Cầu an, v.v…

 


[1] Trích thuyết đạo, quyển 1, trang 59

Home Lễ bổn NGHI LỄ CƠ BẢN