TTBP 7. TỊNH TÂM

   

 

 

                   a)- 12 động tác Tịnh Tâm Tối thượng Vô Vi

 

                   b)- Vô Vi Minh Kinh

 
   

     

      B/ TỊNH TÂM

        Pháp Tịnh Tâm Tối thượng Vô Vi là một bổn pháp tùy duyên hóa độ. Đây cũng chính là một hồng ân lớn lao của Từ Mẫu đối với tất cả các con hiền đang sống trong cõi đời nhiễu nhương đầy phức tạp. Sự căn cơ nhiều hạng nhiều phần luôn luôn khác nhau từ trình độ, tri giác, lớn nhỏ, trước sau v.v…. nên có đầy đủ mọi thành phần ý thức và tri thức cũng như sự giác ngộ trước những hoàn cảnh khác nhau.

 

        Phương pháp Tịnh Tâm nầy cũng như một loại thuốc bổ dưỡng phù hợp trong mọi lứa tuổi, dầu nam hay nữ, mà không hề có điều cấm kỵ. Pháp Đạo nào cũng cần lấy nó bổ sung, Đại Tịnh nào cũng cần lấy nó làm nền. Dù bực Thượng, Trung, Hạ vẫn đối với phương pháp Tịnh Tâm là một thể thức ứng dụng thông đồng nhất.

        Vì pháp Tịnh Tâm là một bổn pháp tùy duyên, nên không có những quy định trường chay mới được thọ lãnh, mà phải biết rằng nếu đã giữ được trường chay thì đạt hiệu quả cao hơn bát chay, bát chay cao hơn lục chay v.v… Tịnh Tâm mới chỉ trường chay không bằng Tịnh Tâm trong Thuần Dương của Đại Tịnh; Tịnh Tâm trong Thuần Dương của Đại Tịnh phải cao hơn Tịnh Tâm trong Thuần Dương ngoài Đại Tịnh. Tịnh Tâm của Mật Tâm Thuần Dương trong Đại Tịnh phải cao hơn Tịnh Tâm trong Thuần Dương Đại Tịnh.

        Tịnh Tâm phải ý thức về “Tâm Thanh Tịnh” và “Tâm Không, Tùy Khiếu Điển”.

        Phương pháp tâm thanh tịnh là thấy được tâm không, nhưng khác hơn ở điểm là tùy khiếu điển. Có nghĩa là trong khi để tâm được thanh tịnh an nhiên vẫn tùy sự vận chuyển điển lành của Bề Trên: 1- Điển Tiên Thiên hay Trung Thiên do Ơn Trên ban xuống; 2- Điển Hậu Thiên do tư tưởng của người hành pháp sẳn sàng tiếp đón, nhưng sự vận chuyển đó chỉ được phép vận chuyển ở bên trong của bộ máy châu thân mà không được xuất hiện ra ngoài.

        Sự lợi của phép vận chuyển bên trong là:

        1- Tập thuần được hơi thở, điều hòa máu huyết, khai thông các đường kinh huyệt và mở được khiếu quang.

        2- Giữ gìn được linh điển không bị lậu ra ngoài; Gom tụ và dinh dưỡng nấu luyện cho được Tinh, Khí, Thần mà Tinh, Khí, Thần không bị hao mất; Bảo tồn được Chánh Pháp.

Ngược lại có 3 điểm hại:

                  1- Linh điển bị trút ra hao mất.

                  2- Ma vương thấy được sẽ khảo mất.

                  3- Đức tin người ngoài sẽ giảm mất.

                                      THI

                  Cơ Pháp dạy về việc luyện tu,

                  Huyền Linh gương sáng độ công phu.

                  Âm Dương, Tam Bửu gom đầy đủ,

                  Ứng hiện muôn nơi thoát ám mù.

       a/12 ĐỘNG TÁC TỊNH TÂMTỐI THƯỢNG VÔ VI

        1/Trụ Định Pháp Thân

        Ngồi trụ hình theo thế tự nhiên cho điều hòa mọi huyết mạch, không ngưng trệ từng bộ phận thần kinh và máu huyết, từng tinh ba lẫn sự kinh động của xác thân.

        2/Tán Âm Dương tản thần

        Dùng tay trái là Dương, tay phải là Âm, Âm Dương chà xát vào nhau mười hai vòng rồi vuốt lên mặt. Cứ làm như thế ba lần là đủ phép tản thần. Nên cặp quang nhãn có điểm thần trụ định. Thần là hồn. Hòa hơi nóng Âm Dương tản thần là điềm tĩnh linh hồn. Chà xát tay mỗi vòng nhớ niệm một chữ, mười hai vòng mười hai chữ: “Nam Mô Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn”.

        3/Tâm Thanh Tịnh (tâm không)

        Là để tâm an nhiên thanh tịnh. Không suy nghĩ vấn đề chi cả, và cái tự nhiên ấy sẽ tùy theo chỗ khiếu điển của mình mà thể hiện sự huyền linh siêu xuất.

        4/Thỉnh Thánh

        Là nói tóm lại cái phép trình nguyện cùng các Đấng Thiêng Liêng. Phần Thỉnh Thánh như sau:

        Chấp tay theo kiểu Phái Đạo mình rồi đưa lên trán niệm:

        - Nam mô Phật. Rồi đưa qua trái:

        - Nam mô Pháp. Rồi đưa qua phải:

        - Nam mô Tăng. Rồi đưa ngay giữa, lần lượt xá xuống niệm:

        -Nam mô Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn

        -Nam mô Diều Trì Kim Mẫu Thượng Đẳng Vô Cực Từ Tôn.

        -Nam mô Đông Phương Chưởng Quản Hộ Pháp Thiên Tôn.

        -Nam mô Long Thần Hộ Pháp Trợ Duyên Thiên Tôn.

        -Nam mô chư Phật, Tiên, Thánh, Thần cảm ứng chứng minh.

        5/Cầu Nguyện

        Con là: (Tên Họ, Thánh Danh …) thành tâm cầu nguyện cùng Thầy Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng: Nay con trụ định Pháp Vô Vi Nguyên Sinh. Nhờ Ơn Trên điểm ban từ huệ cho con được minh tâm kiến tánh, trí huệ mở mang, tinh thần sáng suốt, để chung lo vận hành cơ Đạo mà hóa độ quần sanh để tiến mãi trên đường Thượng Nguơn, bảo tồn cây Thánh Đức.

        6/Khai Thông Cửu Khiếu

        Con người gồm có Tam Tiêu: Thượng, Trung và Hạ Tiêu. Người hành pháp thường gọi là Tam Tinh. Mỗi Tinh có ba điểm tận cùng gọi là Tam Tử, ấy chính là 9 hạt Viên Minh sẽ gom về trung điểm gọi là Cửu Khiếu.

        Khai Thông Cửu Khiếu là mở cho hoát thông khiếu điển từ Thượng Khuyết hai mươi bốn vòng, mỗi vòng niệm một chữ, hai mươi bốn vòng tức hai mươi bốn chữ như sau:

        “- Nam mô Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn, Kim Viết Cao Đài Tiên ông Đại Bồ Tát Ma ha Tát”.

        7/Khai Thông Ngũ Khí Triều Nguơn

        Là nói đến năm điểm tận cùng: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận qua các màu sắc ứng với Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hãy dùng tư tưởng nhìn thẳng một chiều hướng có năm màu sắc khác nhau gom lại một vòng tròn. Khi nào muốn nghỉ thì gởi vòng tròn đang vận chuyển ấy về cung Thượng Khuyết. Nhớ khi đem lên vừa khỏi đốc vọng thời phải nuốt tân dịch rồi từ từ đem thẳng lên trên.

        8/Khai Thông Lục Phủ

         Dùng tư tưởng gom các tinh từ trong đởm, vị, bàng quang, đại trường, tiểu trường và mạng môn về một điểm rồi dùng tư tưởng khử trược lưu thanh, gom các linh điển ấy gởi về nằm yên nơi Thượng Khuyết.

         Hãy dùng tay trái đưa về phía vĩ lư vừa xoay hai mươi bốn vòng niệm y như phần khai khiếu vậy (để khai huyệt).

         Xong, hãy đưa hơi thở vào các phủ theo phép tịnh tuần huờn “Long thăng Hổ giáng”.

Như vậy Khai Thông Lục Phủ được chia ra ba phần:

                  a- Khử trược lưu thanh,

                  b- Khai huyệt.

                  c- Long thăng Hổ giáng.

        9/Khai Thông Thiên Nhãn

        Dùng tư tưởng biến ra hành động. Cặp mắt nhắm hay mở cũng có thể nhìn được một chiều hướng cho gom tựu một lằn quang điển. Vòng điển càng xoay nhanh, càng gom nhặt các điểm tinh anh linh tử. Sau đó nuốt tân dịch và gởi vòng điển nằm yên nơi khiếu Thượng Khuyết.

        10/Tâm Không và Tùy Khiếu Điển

        11/Niệm Lục Tư Di Đà

        12/Tán Âm Dương tản thần

        Khi thọ lãnh Tịnh Tâm Tối Thượng Vô Vi rồi, thì người hành pháp sẽ là Sĩ Đài của Đài Pháp, nên mỗi thời tịnh phải đọc cúng bài Vô Vi Minh Kinh sau đây:

 

        b/-VÔ VI MINH KINH

                  Điều pháp lý siêu thừa diệu chuyển,

                  Ánh thiên dương chiếu hiện chẳng sai.

                  Luật công bình Trời Đất hoằng khai,

                  Nguồn ân đức giải bày sâu sắc.

                  Không phân chia Đông, Tây, Nam, Bắc.

                  Bởi vận hành trong cuộc Quy Linh.

                  Con cúi đầuÂn Đức Từ Thiên,

                  Là Chúa Tể Càn Khôn Thế Giới.

                  ĐứcTừ MẫuMẹ hiền vạn loại,

                  Vì tình thương ban rải Nguyên Sinh.

                  Độ các con trong bản cơ linh,

                  Cơ Tối Thượng Vô Vi truyền Đạo.

                  Dù bao chuyện gió giông khảo đảo,

                  Thì tình thương hoài bão có Thầy.

                  Có Mẹ hiền chuyển lập minh khai,

                  Đường Bạch Ngọc không ngoài tâm pháp.

                  CầuTam Giáohồng ân ban tất,

                  Cho con hiền được bản Thiên công.

                  Vì ngày nay là Đại Phong Thần,

                  Cơ Thánh Đức Tân Dân chánh hội.

                  CácGiáo Chủ đồng quy một lối,      

                  Gom Tông Đồ về mối cơ duyên.

                  Phẩm vị lành khối điển đầu tiên,

                  Được trụ định nơi miền Thánh Địa.

                  CầuTam Trấnthuốc Tiên gieo tỉa,

                  Cho hậu lai chuyển tiếp hành cơ.

                  Ban huyền vi Đạo cả đúng giờ,

                  Không sai với huyền cơ điểm hội.

                  Cầucác vi Thánh Nhâncứu rỗi,

                  Cho toàn linh một mối đồng quy.

                  Cầucác hàng Đại Giáctrí tri,

                  Rải phẩm đức hầu đi cứu thế.

                  Vòng luân chuyển, chuyển luân cụ thể,

                  Để vị lành không trễ trường thi.

                  Đuốc huệ từ soi ánh huyền vi,

                  Ban tượng ấn huyền nhiên huỳnh sắc.

                  Điểm tuần hườn châu thân hành pháp,

                  Khai nhãn quang điểm đạt Thuần Dương

                  Mẹ vô vi chan chứa tình thương,

                  Con nam nữ tấm gương Đài pháp.

                  CầuÂn Đức Thiêng Liêngmẫn đạt,

                  Chuyển Đạo lành soi tạc danh lưu.

                           Thâm ân con nguyện đáp từ,

                  Để niềm tin được phước dư cao dày.

                            Bản duyên cho xứng trên Đài,

                  Các con nam nữ miệt mài Phẩm Chương.

                                      THI

                  Minh trình chánh chiếu ứng vào tâm,

                  Bửu Pháp Tàng Thơ dạy khỏi lầm.

                  Đâu cũng viên dung tròn đủ cả,

                  Sáng ngời phẩm vị rất cao thâm.

                                           *

                                         *  *

                  Cảnh pháp do lòng biết lượng suy,

                  Thì còn lo ngại những điều chi ?

                  Trãi bao thử thách không ngoài cảnh,

                  Rõ lý, tường cơ, đạt nhiệm kỳ.

                                           *

                                         *  *

                  Giã từ lưu luyến nỗi niềm chung,

                  Gởi gắm lời thơ đến tận cùng.

                  Mượn kiếp gieo duyên tầm Phật Pháp,

                  Mẫu ban ân huệ hội Kim Cung.

                                                                      Thăng./...

 
Home Kinh pháp TTBP 7. TỊNH TÂM