LÒNG TỰ GIÁC

 

Đề luận:                          LÒNG TỰ GIÁC

                                                     Giáo sư: Ngọc Việt Thanh

                                                                     (Thánh Tịnh Long Thành)

 

Lòng tự giác là tự mình thức tỉnh sự lầm lổi mà mình đã gây nên. Phàm ai mà chẳng có việc lầm sai, nhưng điều sai không đáng ngại mà ngại điều không  dám sửa sai. Ở đây lòng tự giác được chia ra 3 phần: 1-Tu bổ những điều còn khuyết, 2-Tự giác ăn năn những điều lầm lỗi, 3- Tự giác vô tư.

 

I-TU BỔ NHỮNG GÌ CÒN KHUYẾT

Khi có sẳn lòng tự giác thì tự biết sửa sai, tu bổ những gì còn kém khuyết, đổi cũ ra mới, đổi xấu thành tốt, đó là mình biết chọn lấy điều tốt đẹp cho hiện tại và mai sau.

 

Biết được cách tự giác là nhận thức lấy mình, tự mình tìm nghiệm suy xét những điều gì có phản ảnh với lương tâm mình mà trau sửa cho mỗi ngày thêm tiến bộ, nếu lương tâm mình cảm thấy trong việc làm mờ ám thì bức rức khó chịu thì liền sửa đổi lại ngay.

 

Mỗi người điều có sẳn lòng tự giác sẽ đem lại sự hòa hợp tánh lành, tình bác ái keo sơn, nghĩa đại đồng gắn bó.

 

Lòng tự giác là viên thuốc bổ bồi dưỡng cho tinh thần được an nhiên thơ thới.

 

II-ĂN NĂN NHỮNG ĐIỀU LẦM LỖI

Khi biết giác ngộ điều lầm lổi thì tự biết ngăn ngừa những lổi lầm, nhứt là Tửu, Sắc, Tài, Khí gọi chung là Tứ Đổ Tường, là 4 vách tường ngăn chặn mức tiến của con người, nên cần phải ngăn ngừa càng nhiều càng tốt, vì kẻ hiền người mê muội dầu nhiều hay ít cũng đều bị nhốt trong ấy. Nếu trong đời có ai mà nhảy ra khỏi thì thiệt là cái phương Thần Tiên, giải mọi thứ nghiệp để tâm được an nhiên. Khi biết mình  đang lầm lỗi sai phạm điều gì đó, thì phải thật lòng ăn năn hối cải, không nên chần chừ do dự để tránh làm chậm đi bước tiến của mình.

 

III-TỰ GIÁC VÔ TƯ

Thánh hiền xưa có dạy: “-Người ta sinh ra rồi mà cái trí chửa sinh ra, trí sinh ra rồi thì người dễ mau già, cái lòng cái trí cả hai đều sinh ra thì chẳng biết bao giờ chết chừng nào lại đến”.  Qua lời dạy của Thánh Hiền, chúng tay cần tìm ra phương pháp để giải bày, để sự sống có ý nghĩa hơn, đó là chúng ta hảy tự giác ngăn chặn Tứ Đổ Tường. phương pháp ngăn chặn Tứ Đổ Tường sẽ giúp cho con người có đủ sức khỏe và luôn được sự thoải mái nơi tâm trí, người tu hành biết luyện cái lòng, cái trí ấy có được kim thân Thánh thể khác với phàm thể nầy, đó mới là sự sống thật của linh hồn. Sự giác ngộ là tự lòng mình nhắc nhở với mình rồi tự sửa, và rất vui mừng khi tìm được cái sai để sửa, lâu ngày thuần nhất trong việc tự nhắc nhở và tự sửa sai, đó là tự giác vô tư.

 

IV-KẾT LUẬN

Lòng tự giác soi rọi cho ta một lối đi không ngờ vực, bởi vì nếu chúng ta  trút hết tất cả những gánh nặng trong lòng thì lúc nào tâm thần ta vẫn an nhiên thơ thới, luôn hòa với tất cả tấm lòng thành thật và cởi mở cho ta những vấn đề còn mờ ám. Lòng tự giác sẽ soi sáng được những ý nghỉ và việc làm thành thật của mình để hòa họp với tánh lành của mọi người được sự cảm ứng của hóa công rất là cao cả.

 

Tu tỉnh sáng ngời sự đổi trao,

Cùng chung hướng thượng dắt dìu nhau.

Tâm hồn thơ thới xa phiền não,

Tư tưởng nhẹ nhàn thoát khổ đau.

Ngừa tránh tội tình không dạ núng,

Sửa sai lầm lỗi chẳng lòng nao.

Hòa trong bổn thiện nguồn duyên Đạo.

Tự giác viên dung sử rạng làu./.