ĐƠN THƠ

   

ĐƠN THƠ

ĐỨC KIM MẪU

Phần văn: trích tàng thơ

Phần thơ:  sao y Đơn thơ

Thời Mạt Pháp cơ huyền biến đổi,

Máy Hà Đồ tiếng dội không gian.

Thương nhân loài đang chịu lầm than,

Giữa vạn vật còn đang say ảo.

Cơn sàng sảy lọc lừa khảo đảo,

Lẽ mất còn máy Tạo sắp rành.

Đó chính là thời cuộc chiến tranh,

Hỡi những bậc căn lành duyên giác.

Hỡi trí thức anh tài mẫn đạt,

Hỡi những trang quân tử tài ba.

Ép mình vì khuôn khổ can qua,

Thời chưa đến vận hành chờ đợi.

       Giữa thời kỳ tàn nguơn Mạt Pháp, nhân thế điêu linh, lòng người ly tán. Biết bao nhiêu tinh quân linh tử phải ẩn mình nơi núi cao rừng thẳm và hàng nghìn trí thức cũng phải ép mình trong khuôn khổ của thời Nguyên Tử này.

Vòng luân chuyển sự đời tiếp nối,

Có khác nào Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Bởi luật Thiên rày định giáp vòng,

Ắt trở lại chớ không sai chạy.

Đông đã giáp, Xuân tàn, Hạ lại,

Đã định rồi thời phải xét suy.

Từ xưa nay muôn vạn thời kỳ,

Nào có chỗ sai đi chiều hướng.

Nên phải hiểu khéo lòng suy lượng,

Mà tìm ra sự việc biến thiên.

Không trách đời dù lắm chinh nghiêng,

Mà phải biết dụng quyền ứng đáp.

       Ôi! Vòng quanh của cuộc đời vẫn còn nối phen liên tiếp. Phải rồi! Xuân, Hạ, Thu, Đông nào chẳng giáp, bốn mùa tám tiết chẳng sai đi.

Hễ Thiên Địa tuần hườn lại giáp,

Ắt châu nhi phục thỉ chẳng sai.

Hễ hết đêm thì lại tới ngày,

Hết ngày lại đêm dài tiếp nối.

Thời Trung Nguơn xa vời một lối,

Tiếp Hạ Nguơn dời đổi cũng nhiều.

Nay Nguơn tàn ắt cũng xoay chiều,

Để trở lại Thượng Nguơn Thánh Đức.

Đó luật định trong ngày lãnh chức,

Cho những hàng linh vị lập công.

Đó là nguồn Đạo Pháp xoay vòng,

Cơ vận chuyển Thiên công rành rạnh.

       Luật Thiên là vậy. Hễ Thiên Địa tuần hườn, châu nhi phục thỉ, hết ngày lại đêm, hết tối lại sáng, thời kỳ Thượng Nguơn, Trung Nguơn, Hạ Nguơn cũng thế.

       Như vậy, nay là thời kỳ Hạ Nguơn sắp tàn, lẽ nào chẳng đáo lại Thượng Nguơn hưởng đời Thánh Đức.

Vậy đã rõ những thời tranh cạnh,

Phải biết mình xa lánh tà tinh.

Vận nước nguy phải biết giữ gìn,

Không thể nói sức mình làm được.

Lấy sức mạnh tinh thần chung bước,

Đó mới là ngọn đuốc soi chung.

Việc tiến qua giai đoạn thạnh bường,

Sao cho khỏi tránh cơn sàng sảy.

Biết Nguyên Tử chính là thời đại,

Phải liệu bề tồn tại Nguyên Sinh.

Biết vòng đời trùm phủ u minh,

Phải dùng ánh huyền linh soi rọi.    

       Muốn trở lại Thượng Nguơn Thánh Đức, sao cho khỏi tránh cơn sàng sảy lọc lừa. Ai là người có được phép mầu bứt tan vòng u minh ấy mới còn tồn tại trong ngày Thượng Nguơn Thánh Đức.

Khi nghe nói Nguyên Sinh vội hỏi,

Mới biết rằng Pháp Đạo Mẹ ban.

Nguyên Sinh là ngọn đuốc soi đàng,

Nguyên Sinh vốn tựu hình Dương chất.

Nguyên Sinh ấy hóa sanh vạn vật,

Nguyên Sinh là sự thật nguồn ân.

Nguyên Sinh đem trừ khử bệnh trần,

Nguyên Sinh để gom phần linh điển.

Nguyên Sinh chế những phần điện tuyến,

Nguyên Sinh hòa khí điển Âm Dương.

Nguyên Sinh đây Pháp Đạo là nguồn,

Nguyên Sinh luyện Thuần Dương Nguyên Tử.

       Nguyên Sinh là nguồn ân của vạn loại, là nguồn gốc của tất cả tánh lành sẽ được tồn tại. Nguyên Sinh do Từ Tôn chuyển lập để vận chuyển trong ngày Quy Linh Hiệp Nhứt có ngọn Đuốc Thiên soi đường rất là mầu diệu thâu điển cạnh tranh Nguyên Tử.

       Nguyên Sinh gom về một khối tạo thành điển lành, người có được Nguyên Sinh thì mạnh khỏe lạ thường, trí huệ sáng trong tỏ rõ.

Vậy muốn rõ Nguyên Sinh hai chữ,

Và việc làm pháp ấy ra sao?

Lấy chứng minh từng lẽ ghi vào,

Những phương pháp tạo đào linh nhiệm.

Thì trước phải hiểu qua loại điển,

Điển cạnh tranh Nguyên Tử hôm nay.

Ai cũng từng nghe nói điển này,

Nhưng chưa rõ vần xoay khí chất.

Vậy phải khá hướng về sự thật,

Để hiểu qua Nguyên Tử là chi.

Phần nội dung từng đoạn nghiệm suy,

Thì mới rõ những gì sau trước.

       Muốn rõ Nguyên Sinh thế nào từ việc chứng minh theo thực tế sự biến thể của Nguyên Sinh cũng như sự mầu nhiệm của Nguyên Sinh, trước phải hiểu qua Nguyên Tử.

Nguyên là lúc khai nguồn thanh, trược

Tử chính là thật nhỏ tí ti.

Một phần mười triệu của một ly,

Bề trực kính đúng thì khoa học.

Nguồn Nguyên Tử chế ra chất độc,

Nó chính là khí điển cạnh tranh.

Vật hình cầu như thể viên minh,

Đời tiến bộ nên nhìn mới thấy.

Gom khí chất nặng nề điển ấy,

Để gây điều tác hại nhân sanh.

Đời loạn ly khí điển cạnh tranh,

Nên mới gọi thời kỳ Nguyên Tử.

       Nguyên Tử là chi?  

       Nguyên là lúc ban sơ tánh lành còn nguyên vẹn, Tử không phải là chết, mà thật nhỏ, theo khoa học về bề trực kính đo được: 1/ 10.000.000 của một ly tây trong vật hình cầu như viên đạn hình dung Nguyên Tử, là âm điển cạnh tranh thường gây sự chết chóc thảm hại cho nhân sanh.

Lấy thí dụ để tìm ra thử,

Tử chính là cái chữ hạt nhân.

Ví như cành hoa nọ chi thân,

Trong nhụy phấn nó là tinh chất.

Trong tinh chất nó là sự thật,

Là cái nhân của tuổi ban sơ.

Mà có ai tìm thấy bao giờ,

Đó là Tử, đó là Nguyên Tử.

Tử không thể phân chia được nữa,

Tử là nguồn duy nhất thiêng liêng.

Tử chính là khí chất đầu tiên,

Mà ai biết dụng huyền ứng hóa.

       Để thí dụ thực tế hơn nữa, như đây là một cành hoa, bề ngoài nhành, nhánh, thân, hoa rõ ràng; trong nhụy phấn thêm hàng tinh chất, trong điểm tinh sự thật khó tường.

       Cái chỗ mà con người không phân chia được nữa, nó là cái nhân, cái nguồn duy nhất. Đó là Tử vậy.

Chỉ biết lấy tựu hình tàn phá,

Mà không hòa hợp với điển lành.

Nguyên Tử gây chết chóc nhơn sanh,

Cũng tại bởi người sanh ra nó.

Đem trí thức nhận tìm cái khó,

Để rốt rồi nào có ra chi.

Ở Tây phương muôn vạn người nguy,

Thương những kẻ không suy tầm lấy.

Nhìn cho kỹ điển sanh biến thể,

Hoặc sanh nhiều chết chóc nhơn sanh.

Hoặc sanh nhiều bệnh tật không lành,

Hoặc biến thể quái thai xuất hiện.

       Nguyên Tử là khối điển âm tựu hình, tạo thành khí độc làm thảm hại mấy trăm ngàn người. Khi Nguyên Tử bị tan rã ở Nhật Bản. Khối điển Nguyên Tử biến thể hoặc chết chóc thảm hại cho nhân sanh hoặc sanh nhiều quái thai xuất hiện.

       Tuy nhiên âm điển Nguyên Tử cũng tô điểm cho vạn vật được tô màu, lá hoa xinh tốt, đó là trường hợp bất thường.

Hoặc tạo ra muôn ngàn tinh tuyến,

Đó chính là trường hợp bất thường.

Nguyên Tử là nguồn điển phi thường

Nguyên Tử vốn định trường khắp chốn.

Nguyên Tử gốc do lòng bận rộn,

Nguyên Tử xoay theo hướng văn minh.

Nguyên Tử nguy vì gặp tà tinh,

Nguyên Tử đẹp hòa mình pháp Đạo.

Nguyên Tử có ba phần đào tạo,

Được phân rành khối điển như vầy.

Một là nguyên Tử lực vần xoay,

Là loại điển phát nguồn sức sống.

       Thật vậy, Nguyên Tử trường hợp bất thường đã tô điểm cho vạn vật tươi màu, lá hoa xinh tốt, còn trường hợp hữu thường giữa lòng người cạnh tranh cũng là do gốc ở Nguyên Tử vậy.

       Nguyên tử gồm có ba phần:

Nguyên Tử Lực.

Nguyên Tử Khí.

Nguyên Tử Điển.

Nguyên Tử Khí tiếp theo khoảng trống,

Đó chính là tiếng động âm vang.

Còn ba là loại điển lan tràn,

Nguyên Tử Điển rõ ràng sắp sẵn.

Bao nhiêu sự dập dồn cay đắng,

Cũng do lòng chẳng đặng định phân.

Hởi các con sao chẳng liệu phần,

Hay chờ đợi nguyên nhân khí điển.

Hãy nhìn xem những điều xuất hiện,

Những quái thai kỳ lạ nhiều khi.

Những con người quái tượng hình vi,

Những thú vật đứng đi khác hẵn.

       Nguyên Tử Lực là nguồn sức mạnh của Nguyên Tử. Nguyên Tử Khí là lúc đang sắp và đương tiếng động dẫn âm vang của Nguyên Tử tung ra. Nguyên Tử Điển là loại điển lan tràn khắp mọi nơi.

Toàn là những gọi rằng hiện tướng,

Của trong phần Nguyên Tử sinh ra.

Điều chứng minh xét đó tầm qua,

Lấy trí tuệ nhận làm Pháp Đạo.

Sống thể xác chỉ là giả tạo,

Sống linh hồn mới bảo Nguyên Sinh.

Nguyên Sinh là thể, Pháp là linh,

Ôi! Tuyệt báu Nguyên Sinh lớn rộng.

Nguyên Sinh Lực cũng là sức sống,

Đối lại cùng Nguyên Tử Lực trên.

Còn Nguyên Sinh Khí tiếp đề tên,

Để đối lại phần trên Tử Khí.

       Nguyên Sinh là chi?

       Cũng như đoạn trên Nguyên lúc ban sơ tánh lành còn nguyên vẹn, còn Sinh là sự sống tồn tại, Nguyên Sinh nguồn gốc tánh lành sẽ được tồn tại. Những điều chứng minh hiện chứng: Nguyên Tử chỉ là giả tạo, phải lấy trí tuệ nhận thức tìm tàng trong bộ máy siêu hình hầu chế luyện cái Nguyên Tử giả tạo đó trở thành linh nhiệm là lúc đang cần phải dùng đến biện pháp của Nguyên Sinh.

     Nguyên Sinh gồm có:

1. Nguyên Sinh Lực.

2. Nguyên Sinh Khí.

3. Nguyên Sinh Điển

       Như vậy khí điển Nguyên Sinh muốn hòa hợp với khí điển Nguyên Tử như thế nào mới tạo thành điển lành. Nguyên Sinh Điển linh nhiên tuyệt diệu.

Nguyên Sinh Điển, bao trùm rất quí,

Để hòa cùng Nguyên Tử Điển phân.

Âm hòa Dương biến đổi xoay dần,

Biến hung khí trở thành linh điển.

Đó là lợi Nguyên Sinh thực hiện,

Gọi điển lành hòa điển không lành.

Bởi người tu sẵn có dạ thành,

Nên hung khí tránh xa là vậy.

Người tu niệm đã từng xét thấy,

Những việc làm sai trái trên trần.

Đâu chính là chơn giả biện phân,

Tầm cho đúng nguyên nhân Khí Điển.

       Khi Nguyên Tử Điển là Âm điển cạnh tranh tuôn ra thì phải có Nguyên Sinh là Dương điển hòa an, hòa linh điển khiến tạo thành điển lành.

       Như vậy, hễ Nguyên Tử Khí phải đổi lại bằng Nguyên Sinh Khí, mà Nguyên Tử Lực phải đổi bằng Nguyên Sinh Lực thì mới đạt thành điển lành được.

       Người tu hành sẵn có một dạ thành nên hung khí tránh xa đó là lòng người Nguyên Sinh.

Điển hòa điển đó là cách luyện,

Pháp luyện thần vận chuyển Hà Đồ.

Điển ngũ hành rọi bóng hư vô,

Hóa ngũ khí bao giờ vẫn vững.

Kết ngũ tạng nằm trong thế đứng,

Rèn ngũ quang cùng vẫn lối đi.

Rọi đuốc Thiên trong suốt nhiệm kỳ,        

Để dẫn lối người đi hành sự.

Đó chỉ thấy con đường quá khứ,

Nhưng chưa rành phương pháp để làm.

Thì ở đây chỉ rõ mọi đàng,

Để nắm rõ việc làm cụ thể.

       Thế nên biết cách chế luyện Nguyên Tử ra Nguyên Sinh là vậy, còn phương pháp để chế luyện cho được như vậy thì phải thọ hành pháp chỉ Vô Vi Nguyên Sinh. Pháp Vô Vi Nguyên Sinh là pháp vận chuyển Hà Đồ, thâu luyện ngũ khí, ngũ hành, soi đuốc ngũ quang rọi đường cho quá khứ vị lai và hiện tại, là phương pháp tạo Tiên tác Phật vậy.

Là chế luyện cho thành Đài ấy,

Pháp Vô Vi hiện lấy Nguyên Sinh.

Nửa vô vi và nửa hữu hình,

Giảng Pháp Đạo Nguyên Sinh gồm có.

Một -Duy Vật: hình đồ tỏ rõ,

Hai -Duy Tâm: sáng tỏ pháp mầu.

Đó cội nguồn Đạo pháp gồm thâu,

Của Từ Mẫu sắp rành yếu lý.

Về Duy Vật hình đồ Mẹ chỉ,

Đài Nguyên Sinh gồm có ba tầng.

Huyền Linh Đài tầng nhứt dưới chân,

Đài Diệu Pháp là tầng kế tiếp.

       Pháp Đạo Nguyên Sinh

       Pháp Vô Vi Nguyên Sinh gồm có hai phần:

Duy vật: Đài Nguyên Sinh to lớn.

Duy tâm: Pháp Nguyên Sinh mầu nhiệm.

       Đó là bí pháp Nguyên Sinh của Từ Tôn Kim Mẫu chuyển lập và từng hàng Giáo Chủ của mỗi Tôn Giáo đều vận hành trong thời Quy Linh Hiệp Nhứt.

Đài Nguyên Sinh gồm có ba tầng:

Huyền Linh Đài.

Diệu Pháp Đài.

Thông Thiên Đài.

Thông Thiên Đài tầng ba cao khiết,

Nhìn Tam Đài phân biệt châu thân.

Nhìn Tam Đài thấy rõ việc trần,

Sắp Đài Báu rành phân chánh thể.

Luyện vô vi Tam Đài không trễ,

Luyện hữu hình cụ thể sắp bày.

Luyện chơn như trí tuệ càng hay,

Càng thấu triệt sắp bày tạo hóa.

Pháp vô vi cơ truyền cao cả,

Được định kỳ chuyển hóa hôm nay.

Dựng lập xong công việc Tam Đài,

Miền Nam Việt Huyền Linh Thánh Địa.

       Pháp vô vi là ứng hiện Tam Đài để thấy rõ tượng ấn của Tiểu Châu Thân Con Người và Đại Châu Thân Tạo Hóa. Đài Nguyên Sinh hiện tượng vũ trụ sẽ trụ hình tại Miền Nam Thánh Địa. Vì nước Việt Nam có nhiều chân tu, nên được nhiều điển lành, khiến cho địa linh này được dựng lên một Đài Báu Nguyên Sinh vô cùng to lớn. Lịch sử Việt Nam trên bốn ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam là con Lạc cháu Hồng.

Đời Thánh Đức sử còn ghi vẻ,

Nét vàng son mọi lẽ nào phai.

Đức Phật Vương Di Lạc ngự Đài,

Để sửa dựng trong ngày lập hội.

Mọi chi chi cũng đều dời đổi,

Ấy chính là cơ hội lập công.

Ấy chính là cây hạnh gieo trồng,

Đẹp biết mấy tấm lòng hành pháp.

Tầng Thứ Nhất Huyền Linh mẫn đạt,

Chư thiện nam chay lạc cầu siêu.

Và cầu an, cầu nguyện thật nhiều,

Chư Đại Đức Việt Nam, Quốc Tế.

       Đức Phật Vương Di Lạc sẽ ngự Đài Nguyên Sinh để sửa dựng ngày Thượng Nguơn Thánh Đức.

       Huyền Linh Đài:

       Ở Huyền Linh Đài Tầng Thứ Nhất chư Đại đức Việt Nam và Quốc Tế thuyết pháp. Thiện nam tín nữ trường chay tuyệt dục, thành tâm cầu siêu, cầu an, cầu và sám hối vô vi.

Cùng thuyết pháp, giảng lời chánh thể,

Tầng Thứ Hai đặt để như vầy.

Sắp thành phòng tịnh, đủ mười hai,

Cho tín nữ nghĩ ăn, cầu nguyện.

Phía trước ở dãy lầu trái điểm,

Trên thì thờ Đức Phật Quan Âm.

Phía dưới thờ Chư Vị Thập Phương,

Chư tín nữ cầu an sám hối.

Phía sau ấy mươi hai nam đối,

Cũng việc làm như phái trên đây.

Vậy mười hai cộng với mười hai,

Tức hai mươi bốn Sĩ Đài thay thế.

       Diệu Pháp Đài:

       Ở Tầng Thứ Hai, Diệu Pháp Đài, phía trước dãy lầu bên trái thờ Quan Âm, ở bên dưới thờ Thập Phương Cô Hồn để cho chư tín nữ cầu siêu, cầu an, cầu nguyện và sám hối vô vi. Những Sĩ Đài ở Tầng nầy là để thay thế mười hai cặp thần kinh dài theo xương sống.

       Vậy: 12 + 12   =   24 Sĩ Đài.

Theo đường sống thần kinh giác mệ,

Đó chỉ rành không thể lầm sai.

Mặt đối nhau nào khác chi đây,

Hỡi những bậc anh tài hiền triết.

Đài Nguyên Sinh sắp rành chi tiết,

Đó chỉ là công việc khởi sơ.

Cho những người vào bậc Trung Thừa,

Và bậc Hạ được như điểm ấy.

Tầng Thứ Ba các con sẽ thấy,

Có chia ra hai dãy hai bên.

Đây nói về dãy mặt bề trên,

Thờ Đức Mẹ Thiêng Liêng Thế Giới.

       Thông Thiên Đài :

       Ở Tầng Thứ Ba Thông Thiên Đài có hai dãy nhà trệt cất cao khỏi mặt đất, dãy nhà bên mặt chia ra ba phần:

       1) Phía trước thờ Đức Mẹ Thiêng Liêng Thế Giới để cho chư tín nữ cầu siêu, cầu an, cầu nguyện, sám hối vô vi.

Chư tín nữ cầu an sám hối,

Thọ pháp hành tuyệt đối hư vô.

Phía giữa thờ Các Bậc Chơn Tu,

Và sắp bảng Chỉ Huy Điều Định.

Phía sau có mười hai phòng tịnh,

Mười hai đồng nam nữ trụ quang.

Để thay vào dây óc Kim Thằng,

Mà vận chuyển Thần Quang Chủ Tể.

Tầng Thứ Ba linh thông siêu thể,

Bảng vô hình ghi để chí công.

Sắp Thiên cơ ứng chuyển Đại Đồng,

Xây pháp Đạo nằm trong pháp chỉ.

Chính giữa thờ các bậc chơn tu và có phòng điều động chỉ huy.

Phía sau có mười hai phòng tịnh để cho sáu đồng nữ, sáu đồng nam nghỉ ăn, nghỉ uống cầu siêu, cầu an, cầu nguyện, sám hối vô vi. Hai bên sáu đồng nam, sáu đồng nữ là mười hai Sĩ Đài để thay thế 6 cặp thần kinh đan chéo ở cửa óc hay là ngọc chẩm.

Mối giao hảo từ lành rất quý,

Điển Thông Thiên Triệt Địa tứ phương.

Đài Nguyên Sinh tuyệt báu phi thường,

Gom từ điển một đường ứng hóa.

Ngọn đuốc thiêng chiếu ngời cao cả,

Cùng hào quang Phật Pháp nhiệm mầu.

Đây chính là ngôi vị thanh cao,

Hàng Đại Giác ngự vào điểm sắc.

Nói tóm lại Sĩ Đài định đặt,

Ba mươi sáu Đài thay cặp sóng trường.

Nóc Thông Thiên thì có lầu chuông,

Và lầu trống, gọi đường duyên giác.

       Trên nóc Thông Thiên Đài có lầu chuông, lầu trống, để kêu gọi lành nhân tựu về cầu nguyện thế giới hòa an.

Chỗ Thánh Giá dành riêng nam cấp,

Còn chỗ nào chữ Vạn nữ lưu.

Đức Phật Vương thường ngự huệ từ,

Đài Bát Quái cặp theo Thượng, Hạ.

Tiên Thiên điển thay vào tất cả,

Điển Trung Thiên cũng đã nối phen.

Điển Hậu Thiên vận chuyển ngọn đèn,

Ấy trí huệ khai truyền siêu xuất.

Bát Quái Đài chia ra hai bực,

Phía trước thờ Chư Phật, Chúa, Cha.

Cùng Lý Chơn Tuyệt Đối đúng là,

Sự hiển hiện thông qua từ điển.

       Chỗ nào có Thánh Giá thì dành riêng cho phái nam (Dương), chỗ nào có chữ Vạn dành riêng cho phái nữ (Âm) còn đường xương sống là Bát Quái Đài để Đức Di Lạc Phật Vương trấn ngự vô vi.

       Bát Quái Đài:

       Bát Quái Đài chia ra ba phần: Tiên Thiên, Trung Thiên và Hậu Thiên để thay thế cho ba bộ óc:

       Óc già hay óc giác.

       Óc lỏng hay óc linh.

       Óc non hay óc mê.

Về mặc hậu Cực Đồ Thái chuyển,

Hay chín luồng quang điện trong Trời.

Còn toàn Đài phía trước mọi nơi,

Thì gồm có hữu vi điều động.

Phía sau có vô vi khoảng rộng,

Trước Nam Dương thì Nữ sau Âm.

Có hữu, vô, động, tịnh hòa đồng,

Thì mới có sanh ra điển lực.

Đài Bát Quái lại còn lãnh vực,

Trụ Phướn vàng tám chữ như vầy.

Thiên Khai Huỳnh Đạo chuyển là đây,

Đại Đồng Cứu Dân rày nối tiếp.

       Bát Quái Đài chia ra làm hai phần: Mặt tiền thờ Phật và Chúa hay là Chơn Lý Tuyệt Đối, mặt hậu thờ Thái Cực Đồ hay là 9 luồng điển trong vũ trụ.

       Toàn Đài phía trước hữu vi (động), phía sau vô vi (tịnh), hễ phía trước Nam (Dương) thì sau Nữ (Âm) có hữu có vô, có Âm, có Dương, có động, có tịnh điều hòa mới sanh ra điển lực.

       Bát Quái Đài có trụ phướn vàng, lá phướn có đính chữ: “ Thiên Khai Huỳnh Đại Đại Đồng Cứu Dân ”

Ngày Đại hội phướn vàng oanh liệt,

Để chuyển thành ánh tuyết soi gương.

Nhìn Đài cao không thể đo lường,

Với mức độ ánh dương chiếu tỏa.

Đèn ngũ sắc vận hành biến hóa,

Bóng Tứ Linh cao cả hiện về.

Bóng Tinh Quân lấp lánh sắc thề,

Nguyên Sinh Pháp, thuyền về chuyến chót.

Huyền Linh Đài lưu thanh, khử trược,

Phóng điển thanh lên Diệu Pháp Đài.

Diệu Pháp Đài lượt điển lần hai,

Để phóng điển lên Đài Thiên Thượng.

       Ở Huyền Linh Đài chư Đại Đức thuyết pháp, thiện nam tín nữ trường chay tuyệt dục lượt điển trược một lần nữa và phóng điển thanh lên Diệu Pháp Đài.

       Tại Diệu Pháp Đài mười hai đồng nam đồng nữ nghỉ ăn nghỉ uống lượt điển trược lần trót phóng lên Thượng Thiên một khối điển khá thanh, khá lớn, khá mạnh để sức hút điển lành Thượng Thiên hầu chế ngự được luồng điển thiệt hại nhân sanh.

Nếu tầng dưới không hòa chơn tướng,

Thì dĩ nhiên ảnh hưởng lên trên.

Điển trường sanh, dấu hiệu màu xanh,

Còn loại điển cạnh tranh màu đỏ.

Điển hòa an màu vàng sáng tỏa,

Hòa làm sao xanh đỏ ra vàng.

Ấy chính là Huỳnh Đạo Thiên ban,

Thời kỳ của Phật tràng khai hội.

Vô tuyến điện gặp khi điển rối,

Đài Nguyên Sinh hai mối như nhau.

Bởi oan hồn chiến sĩ chen vào,

Và ngoại Đạo làm xao động điển.

       Điển cạnh tranh mạnh đến đâu cũng tột độ là cùng, còn điển Tiên Thiên hay là điển Trường Sanh đến cực độ có thể đàn áp dễ dàng điển cạnh tranh và biến đổi ra điển hòa an.

       Điển trường sanh màu xanh, điển cạnh tranh màu đỏ, điển hòa an màu vàng. Hòa xanh đỏ ra vàng Thiên Khai Huỳnh Đạo là thế.

       Vô tuyến điện gặp khi điển rối làm chướng ngại thì Đài Nguyên Sinh có điển lực vô hình do các oan hồn chiến sĩ và ngoại Đạo khuấy rối.

Vì lẽ đó sự cần cầu nguyện,

Cúng Cô Hồn, Chiến Sĩ phải cần.

Hoặc Cô Hồn Miếu với Đài Thần,

Được thành lập trong phần cúng tế.

Đừng lầm tưởng Huyền Linh nhỏ thể,

Đó chính là nền tảng Đài cao.

Nếu điển tầng dưới có xôn xao,

Ắt động điển tầng cao lắm vậy.

Từng động tác các con hiểu lấy,

Luyện cho thành Đài ấy vào tâm.

Ắt tâm con không có giận ngầm,

Thì mới khỏi sự lầm từ điển.

       Do đó, sự cầu nguyện có hiệu lực cần phải tế Chiến Sĩ cầu siêu Cô Hồn là lập Phong Thần Đài và Cô Hồn Miếu.

       Mười hai Sĩ Đài ở tầng Thông Thiên và 24 Sĩ Đài ờ tầng Diệu Pháp Đài nhờ thiện nam tín nữ ở Huyền Linh Đài một lòng chí thiện chánh mới vững bền.

       Nếu chư vị ở Huyền Linh Đài không đồng tâm, đồng ý giận ngầm thì điển nóng lên Diệu Pháp Đài và Thông Thiên Đài làm cho Sĩ Đài ở tầng trên phải bỏ cuộc. Đừng lầm tưởng Huyền Linh Đài thấp kém. Huyền Linh Đài là nền tảng rất quan trọng cho việc cầu nguyện. Nơi Đài Nguyên Sinh. Sĩ Đài nào không chân thành thì hiện tướng rõ ràng khỏi điều tra tìm nghiệm.

Đời càng thiên diễn bầu tai biến,

Đạo đức trùng hưng vạn sắc lào.

Việc tu hành tuần tự lên cao,

Đừng gấp lắm không sao bền bĩ.

Con học Đạo thọ hành Thánh ý,

Nghe lời truyền rất quý hôm nay.

Đài Nguyên Sinh thành lập Tam Đài,

Để ứng hiện vào tâm con đó.

Giảng Duy Vật hình đồ tỏ rõ,

Sang Duy Tâm sáng tỏ Nguyên Sinh.

Luyện Nguyên Sinh pháp thể siêu hình,

Để con trẻ niềm tin vững chắc.

       Đời càng thiên diễn bầu tai biến, thiên hạ càng dọn mình cầu nguyện tất có cơ Âm của thiên hạ, có cơ Âm Cực cảm tất cả cơ Dương Cực ứng hay là của Thiên Thượng ứng xuống, cơ Âm hiệp với cơ Dương biến thành điển lực hòa an bủa khắp nơi như đài vô tuyến.

Và mỗi số mười hai động tác,

Tuy giống nhau nhưng khác ý hành.

Pháp chỉ cần mức độ trường canh,

Là con biết sự hành dài dặn.

Dầu luyện ít, nhưng bền là đặng,

Luyện pháp nầy nguồn bản nhờ lâu.

Đã nói qua ý nghĩa nhiệm mầu,

Để các trẻ hiểu sâu tận gốc.

Từng động tác mỗi con thọ học,

Thì có ban truyền pháp trao tay.

Đó chơn truyền bí pháp hoằng khai,

Không thể giảng nơi bài minh thuyết.

       Duy tâm : Pháp Siêu Nhiên mầu nhiệm.

       Pháp Nguyên Sinh có 3 số, mỗi số 12 động tác, tuy giống nhau danh từ nhưng khác ý hành và cao hơn từng bậc. Luyện Pháp Nguyên Sinh ứng dụng Tam Đài là Huyền Linh Đài, Diệu Pháp Đài và Thông Thiên Đài tượng hình cho ba phần xác, vía, hồn.

       Ở đây chỉ giảng về lý pháp mà thôi, còn cái mật tâm và tâm pháp cao siêu thuộc về khẩu huyết tâm truyền, người muốn thọ hành pháp Đạo thì có Ban Hoằng Pháp trao tay.

Vậy các con gắng tâm chí quyết,

Tiến nhanh lên cho kịp thuyền duyên.

Lòng từ bi Mẹ gọi con hiền,

Con phải biết nhận tìm mới thấy.

Nguyên Sinh Pháp khai truyền rất quý,

Nguyên Sinh Đài Mẹ chỉ châu thân.

Dụng Ngươn Tinh, Ngươn Khí, Ngươn Thần,

Lập Thánh Đức Tân Dân chánh hội.

       Thuyền Đạo Nguyên Sinh là thuyền duyên chuyến chót đưa rước nguyên căn, linh vị kịp trở về ngôi xưa vị cũ.

       Đài Nguyên Sinh là hình đồ Tiểu Châu Thân và Đại Châu Thân, là định luật tuần hườn vận hành trong vũ trụ, là sự sống trường tồn của gốc Đạo Thiên ban.

THI:

Diêu   đài   Khai điển sắc truyền tin,

Trì    niệm Pháp nguyên hội tứ linh

Kim khuyết  ưu ân huệ chuyển

Mẫu   nghi   Vi diệu hội linh bình

Vô    nhiên   Nguyên tướng khai Tòa báu

Cực điểm   Sinh hình trợ bửu kinh

Từ  điển     Ứng thi truyền giáng hạ

Tôn nghiêm Hiện thể tiếp lâm nghinh.                

THĂNG.