Nhớ ngày khai Đạo

Hằng năm vào ngày 10 tháng 10 âm lịch mang tính lịch sử và Đạo lý sâu sắc được hiện ra tại chùa Từ Lâm Tự Gò Kén, Tỉnh Tây Ninh là ngày 10 tháng 10 năm Bính Dần, nhằm 18 tháng 11 năm 1926. Ngày ấy chính là ngày Đại Hồng Ân ở cõi thế gian nầy được Đức Thượng Đế chọn để khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắc là Đạo Cao Đài; Ngày Đạo Cao Đài ra mắt trọng thể trước nhân sanh bá tánh, cuộc lễ được Chính Quyền thời đó cho phép 3 ngày, nhưng kéo dài đến 3 tháng. Ngày ấy cũng là ngày có sức cảm hóa hàng chục ngàn người nhập môn vào Đại Đạo; Ngày mà toàn dân tộc Việt Nam đều rất hữu hạnh và vinh dự được Đạo Trời khai mở tại Việt Nam; Ngày lịch sử ấy được toàn Đạo gọi là ngày Đại lễ Khai Minh Đại Đạo.

Đạo Cao Đài vốn là một nền Tân Giáo Lý, một triết lý Đại Đồng do thần cơ diệu bút của Đức Thượng Đế lập ra, nhằm phổ truyền và xây dựng nền tảng tinh thần đạo đức chung, thích hợp với sự tín ngưỡng và trình độ tiến hóa của nhân sanh.

Đạo Cao Đài được lập ra với tôn chỉ là Quy Tam Giáo hiệp Ngũ Chi. Tôn chỉ nầy được dung hoà một phần lý thuyết chơn chánh từ xưa hiệp với Thánh Giáo Đại Đạo có sự rút kết tinh hoa của ba nền Tôn Giáo Nho Thích Đạo xa xưa, nên trở thành một triết học Đại Đồng vô cùng sâu sắc, để cho toàn nhân sanh bá tánh gặp gở nhau trong tình yêu thương Nguyên Lý; để các Tôn Giáo tìm thấy nhau ở tinh thần Quy Tam Hiệp Ngũ, ý nghĩa Đồng Nguyên; để mỗi cá nhân ngộ đặng Đạo mầu, tự hoà kết Tam Ngũ trong Cơ Thể mà chứng ngộ diệu mầu, đắc Đạo giải thoát.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là mối Đạo lớn do Đức Thượng Đế Chí Tôn khai mở khi trãi qua những tiến trình thời kỳ truyền Đạo của các hàng Giáo Chủ từ Thượng Nguơn, Trung Ngươn, nay là Hạ Ngươn, là buổi tàn nguơn mạc pháp Đức Thượng Đế lập thành Tam Trấn và khai mở Đạo Tam Kỳ mà tận độ nhân sanh, cũng là tổng kết trong Tam Kỳ Phổ Độ gồm:

1/- Nhứt kỳ phổ độ: Thuở con người còn đủ tính thuần lương chất phát, cuộc sống an lành của thời Thượng Ngươn hay gọi là ngươn Thánh Đức. Nhưng con người càng tiến bộ càng dần xa Thiên Lý, quên mất tánh lành, bổn thiện, say đấm phù hoa, đua đòi dục lạc nên có các Đấng giáng trần lập Đạo là:

-Đức Nhiên Đăng Cổ Phật làm giáo chủ Phật Giáo.

-Đức Thái Thượng Đạo Tổ làm giáo chủ Tiên Giáo.

-Đức Văn Tuyên Đế Quân làm giáo chủ Nho Giáo

  (ngoài ra, Đức Phục Hy, Đức Hạ Võ, Đức Văn Vương, Đức Chu Công cũng góp phần rất nhiều trong Nho Giáo ở thời kỳ nầy)

2/- Nhị kỳ phổ độ: Khi con người khởi sanh lòng tham muốn quá nhiều, sự tranh chấp phân chia lập ranh, lập quốc, sự lấn chiếm lẫn nhau tạo thành nhiều cuộc chiến tranh ngày thêm ác liệt, vì sự tranh chấp trước danh lợi quyền uy làm cho con người quên đi con đường đạo đức đã được phổ truyền ở nhứt kỳ phổ độ, nên một lần nữa vì lòng từ bi Đức Thượng Đế cho lâm phàm gồm các Đấng Tiên Phật giáng trần mà chấn hưng nền Đạo đức. đó là:

-Đức Thích Ca giáng sanh tại Ấn Độ mở ra Thích Giáo để chấn hưng nền Phật Giáo đã có từ thời nhứt kỳ.

-Đức Lão Tử chơn linh của Đức Thái Thượng Đạo Quân giáng sanh tại Trung Quốc mở ra Đạo Giáo tức Lão Giáo để chấn hưng nền Tiên Giáo đã có từ thời nhứt kỳ.

Đức Khổng Tử chơn linh của Đức Văn Xương Tiên giáng sanh tại Trung Quốc chấn hưng Nho Giáo đã có từ thời nhứt kỳ.

-Đức Chúa Jesus, chơn linh của Đức Thượng Đế giáng sanh ở nước Do Thái chấn hưng Do Thái Giáo để mở ra Thiên Chúa Giáo.

3/- Tam kỳ phổ độ: Qua nhứt kỳ và nhị kỳ, Tam Giáo truyền Đạo phổ độ chúng sanh, Khi các Giáo Chù qui Thiên để lại chơn truyền cho tay phàm nắm giữ, trãi qua 2000 năm làm thất lạc chơn truyền. Nay trước buổi tàn nguơn mạc pháp, nhân thế điêu linh, lòng người ly tán, sự tiến bộ tột cùng con người nghiên cứu Nguyên Tử để tàn hại lẫn nhau vì lòng tham xâm chiếm, cả tôn giáo cũng kỳ thị lẫn nhau. Nên kỳ thứ ba cũng là lần chót nầy Thầy đích thân mở Đạo gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gọi tắc là Đạo Cao Đài để tổng kết lại những tinh hoa vốn từ trước Thầy đã mở ra Ngũ Chi Đại Đạo là: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo để cho nhơn sanh tùy duyên mà tiến hóa. Từ Nhứt kỳ, Nhị kỳ đều có lập thành Tam Giáo. Nay Tam kỳ do Thầy đích thân điểm chỉ, nên chỉ lập thành Tam Trấn Oai Nghiêm để thay mặt cho Tam Giáo để làm sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ như sau:

-Nhứt Trấn Oai Nghiêm: Đức Lý Đại Trưởng thay mặt Đức Lão Tử cầm quyền Tiên Giáo.

-Nhị Trấn Oai Nghiêm: Đức Quan Âm Như Lai thay mặt Đức Thích Ca cầm quyền Phật Giáo.

-Tam Trấn Oai Nghiêm: Đức Quan Thánh Đế Quân thay mặt Đức Khổng Tử cầm quyền Nho Giáo.

Như vậy Nhứt Kỳ Tam Giáo có: Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, Đức Thái Thượng Đạo Tổ, và Đức Phục Hy. Đến Nhị kỳ Tam giáo có Đức Thích Ca Phật Tổ, Đức Thái Thượng Đạo Tổ và Đức Khổng Thánh Tiên Sư. Đến Tam Kỳ do Thầy khai mở Đạo Cao Đài và lập thành Tam Trấn Oai Nghiêm gồm có: Đức Quan Âm Như Lai, Đức Thái Bạch Kim Tinh, Đức Quan Thánh Đế Quân. xin tóm lại thành bài thơ như sau:

          Con đường phổ độ khá tầm tri,

          Nhứt, Nhị, Tam ngươn cổ đại thì.

          Trước có Nhiên Đăng truyền Phật Giáo,

          Sau là Thái Thượng điểm Tiên Quy.

          Đạo Hiền, Đạo Hiếu thời Hi Phục,

          Đạo Thánh Đạo Nhân thuở Phục Hi.

          Thích, Lão, Nho Tông lần kế tiếp,

          Ngọc Hoàng Thượng Đế chuyển Tam Kỳ.

Đức Thượng Đế mở ra Đạo Cao Đài là mở rộng con đường giải thoát bằng phương pháp thực hiện Tam Công là công phu, công quả, công trình. Khi Tam Công tròn đủ là giải thoát luân hồi. Vì những bước chuyển ấy như sau:

1-   Nếu thực hiện tròn vẹn phần công quả (động lực) thì kiếp sau được giàu sang phú quý và sức lực.

2-    Nếu thực hiện tròn vẹn phần công trình (khí lực) thì kiếp sau đạt phần trí huệ và năng lực.

3-    Nếu thực hiện tròn vẹn phần công phu (điển lực) thì tăng phần điển trí huệ và được thăng tiến ở cõi cao hơn, tức không còn luân hồi ở kiếp sau nữa.

Người hành Đạo cần phải có phương tiện, có đường hướng và có thực hành, cũng như biết gắn liền Tam Công tròn đầy, ắt Đạo quả viên thành. Chỉ có ngày Đạo thành của mỗi bản thân mới đáp lại đặng công ơn ngày Đạo mở của Đức Thượng Đế.

Để tưởng nhớ mốc lịch sử quan trọng ngày mối Đạo Trời chánh thức khai mở tại Việt Nam để tận độ nhân sanh trong thời tàn nguơn mạc pháp, nên ngày Đại lễ hằng năm cũng là dịp gặp gở anh em trong các Chi Phái Cao Đài và tình liên giao các Tôn Giáo cũng như liên giao về mặt xã hội, để tình đoàn kết Đạo Đời ngày thêm gần gũi thông cảm nhau trong tình yêu thương. Chỉ có thể hiện sự yêu thương mới là lễ hiến dâng lên Thầy Mẹ đúng mức, Vì Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Đức Chí Tôn đã dạy “Thầy là cha của sự thương yêu”.

Vì thế, càng nhớ đến ngày Lịch Sử Đại Đạo thì chúng ta càng phải ghi nhớ sâu sắc trong tình yêu thương để đem tình yêu thương đó mà hiến dâng lên Thầy Mẹ.

                                                                                                                 NGỌC ÁNH HỘ

Home Thư viện 4 Nhớ ngày khai Đạo