CẢM NHẬN VỀ CHUYẾN ĐI VỀ TTLT 2010


          Sáng Chủ Nhật 14/11/2010, dự lễ kỷ niệm 80 năm thành lập thánh tịnh Bồng Lai ở Lái Thiêu xong chuyến liên giao hành đạo tiếp tục hành trình về Cần Thơ. Lần này là về thăm ngôi thánh tịnh Long Thành nhân dịp lễ khánh thành và lễ tri ân tiền bối quá vãng. Nếu thánh tịnh Bồng Lai thuộc Hội thánh Tiên Thiên (Bến Tre) thì thánh tịnh Long Thành lại thuộc Hội thánh Long Châu (Cần Thơ). Điểm khác biệt không chỉ nằm ở hệ thống hành chánh, mà còn thể hiện ở sự thờ phượng. Tuy vậy, điểm chung vẫn là thờ đức Chí Tôn qua Thánh tượng Thiên Nhãn.

           Chuyến xe từ Sài Gòn về Cần Thơ mất 4 tiếng, chúng tôi mất thêm gần 2 tiếng nữa để đến được thánh tịnh. Nguyên cớ cho 2 tiếng đồng hồ này không phải do đường xa mà do một loạt các lý do khách và chủ quan khác nhau: nào là chờ xe trung chuyển, đợi xe taxi và lội bộ khoảng 400m! Cái đoạn cuối này cũng lắm thi vị, khi phải dò dẫm từng bước từ cầu Rạch Cam đến Thánh tịnh. Cũng may là có ánh trăng và ánh sáng tạm dùng của chiếc đèn pin từ điện thoại di động. Cũng có cái vui cho lần đầu tiên mò mẫm đường xá, hình dung lộ trình di chuyển ở một nơi mà chẳng hề có tí thông tin nào rõ ràng hết ngoài cái địa chỉ! Xem ra năm nay, toàn là những cái đầu tiên cả!


           Đến Thánh tịnh vào khoảng 6.00 tối, huynh Đạt Tường cũng đâu đó ở Cần Thơ gọi điện thoại hỏi đường vào Thánh tịnh. Tắm mát xong lại được cho ăn tối ngay tức thì. Chư vị tại đây cứ lo chúng tôi bị đói nên khoản đãi một cách nhiệt tình khiến chúng tôi khó lòng từ chối, cuối cùng no quá xá no! Bữa tối vừa sắp xong thì giờ thuyết minh giáo lý cũng vừa đến. Hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi được nghe về những bài học đức tin, sự huyền nhiệm trong lịch sử Cao Đài giáo và các vấn đề liên quan đến ngày Khai Minh Đại Đạo. Sau buổi thuyết minh giáo lý, chúng tôi lại được ăn...cháo gỏi! Huynh Đạt Tường sớm ra về, trở lại Sài Gòn để còn chuẩn bị cho buổi thuyết minh giáo lý vào chiều tối hôm sau ở Thánh thất Bàu Sen.

           Trời càng về khuya, lẽ ra phải cảm thấy lạnh vì sương đêm. Nhưng kỳ thực, không ai thấy thế. Ban tổ chức đã cho dựng các mái hiên chuẩn bị cho lễ ngày mai trước đó. Chúng đã chắn gió và cả cái lạnh của ban đêm nơi miền sông nước, nhiều cây cối. Mọi người đã chuẩn bị được chổ ngủ, nhưng không phải ai cũng có được chổ ngã lưng. Số người ở lại đêm không đông, nhưng do Thánh tịnh vẫn còn trong quá trình xây dựng nên “đất hẹp” dù người chẳng đông cũng không đủ chổ nằm. Thế nhưng cũng có cái hay. Khuya hôm đó hơn mười vị đã thức trắng đêm để trực mà cũng để hàn thuyên tâm sự chuyện đạo.

           Các câu chuyện cứ nối đuôi nhau rong ruổi qua từng nhịp thời gian, vượt cả giờ Tý, xuyên qua hai cái thau cháo và nuôi ban khuya, và cứ thế cho đến khi tiếng gà gáy sáng, rồi bình minh ngày mới! Kể ra cũng nhờ cái đêm không ngủ đó mà sự xa lạ chỉ là khách viếng tạm thời. Khác nhau về tuổi tác, pháp môn, hệ phái, và cả tôn giáo chỉ làm cho cuộc nói chuyện trở nên thú vị hơn. Các câu chuyện bàn về đức tin Cao Đài, đạo pháp, Tình Thương, giáo lý Phật giáo Hòa Hảo, Hán văn....giúp chúng tôi vừa thấy khác biệt với nhau, nhưng lại vừa gần gũi nhau hơn. Được thế là do cuộc đối thoại của chúng tôi không phải là cuộc “thập tự chinh” về giáo nghĩa. Đó là một cuộc trình bày những quan điểm, tư tưởng quá khác biệt để được lắng nghe, học hỏi và trau đổi. Đạo huynh ở Chiếu Minh thì cho chúng tôi bài học về sự cẩn ngôn trong tu học. Huynh ở Chiếu Minh Long Châu thì cho chúng tôi ý nghĩa về đạo lý bất di bất dịch của ông Trời, phận người thì người cứ làm, nhưng việc thành tựu sẽ do Trời định đoạt. Huynh ở Phật giáo Hòa Hảo cho chúng tôi sự thú vị về các bài thơ chữ Hán của Huỳnh Giáo Chủ, cũng như cái hay trong tiếng Hán, tiếng Nôm. Một số huynh khác tỏ ra thích thú lạ thường với nội dung quyển “Thượng Đế Giảng Chơn Lý”. Các huynh ở Thánh tịnh Long Thành lại “bật mí” một tí về pháp môn Vô Vi của đức Mẹ giáng dạy ở Thánh tịnh. Và một ý kiến khác hay khi nói về cách hiểu Thượng Đế và các vấn đề “siêu nhận thức”, nếu muốn hiểu hãy đợi ngày về trên ấy, còn bây giờ hãy nhìn vào hiện tại, cái đang diễn ra, vì thông qua nó chúng ta sẽ biết được phần nào cái “siêu nhận thức” kia. Quả là một đêm đầy chữ nghĩa và đạo lý!

           Đêm chừng như ngắn lại bởi tâm tư con người bị thu hút bởi những câu chuyện khác nhau. Đêm chừng như là đa diện vì rất nhiều vấn đề được đặt ra để mọi người cùng suy nghĩ và đưa ra ý kiến. Đêm chừng như là hòa ái, khi dị biệt không bị công kích phản bác mà lại được lắng nghe và tôn trọng. Đêm như thế đã diễn ra bên một dòng sông, dưới ngàn ánh sao, bên những hàng cây to, cây nhỏ... gần với một thánh tịnh Cao Đài. Nó khác hẳn so với những công kích, những phản biện thiếu khoa học, kỹ năng dùng cái giọng nói nhỏ nhẹ để đưa ra ý kiến gắt gao, thiếu hẳn thái độ xây dựng trong thảo luận ở nơi được xem là “trung tâm học vấn cao cấp nhất” hiện nay! Điều nguy hại nhất là nó lây nhiễm cả vào hàng ngũ tiếp nối, thế hệ trẻ mà không có sự điều chỉnh nào thích hợp được diễn ra. Mọi thứ đang “ngã” dần theo những hào quang của vinh dự và cao cả về hình thức, nhưng kỳ thực là nội tại bị bóp ngẹt, và bí lối để vươn lên! Nhưng làm sao có thể khác được khi cả cộng đồng to lớn hơn cũng thể hiện như thế! Cộng ghiệp của chúng vậy!

           Tạm gác bỏ sang bên những cái “mảng đêm” trong ánh hào quang và ảo ảnh về vinh dự, để trở về với một thực tại khác đang có tại nơi đây. Không phải là người có học cao cấp, không phải là người được cho là có tâm đạo to tát, lại càng chẳng phải là người có trí tuệ siêu phàm, đức tin mạnh mẽ vô đối; nhưng từng câu nói, mỗi sự trình bày suy nghĩ là cả tấm lòng chân thật...Tôi nghĩ thế này ….các em thấy sao,...rồi...theo đạo để nghĩ thế này....ý huynh ra sao,....còn phản biện thì...Thánh giáo viết thế này, Ơn Trên dạy thế kia,...nay nếu ta nghĩ như vầy...e chẳng phải lắm....!!! Cái kết quả được sáng tỏ và tựu lại bên trong mỗi người ở mỗi khoảnh khắc của trao đổi. Cứ cảm nhận theo cách diễn đạt ý sau đó là hiểu được mỗi người đã hiểu ra được vấn đề gì, không cần phải làm theo cái cách anh phải nói thế này, thế nọ hoặc anh phải thấy như vậy mới đúng, nói như anh là trật lất!

           Đêm không quá ồn ào trôi qua, nhường ánh bình minh đến trong tiếng lao xao những người đồng đạo chào hỏi nhau. Giờ điểm tâm lại đến, lại ăn tiếp! Thích thật!

           Sau giờ điểm tâm, chương trình lễ khánh thành được long trọng tổ chức tại Thiên Phong Đường. Băng khánh thành được các vị đại diện chính quyền, đại diện Hội Thánh Long Châu và Thánh tịnh Long Thành cắt mở. Chư vị quan khách tiến vào Thiên Phong Đường bắt đầu cho chương trình lễ. Sau hơn 2 tiếng buổi lễ, đại diện Thánh tịnh gửi đến quý quan khách tiểu sử của Thánh tịnh, tổng kết chi phí xây dựng thánh tịnh. Trong buổi lễ, đại diện Thánh tịnh xác nhận việc tổ chức lễ khánh thành khi việc xây dựng chưa hoàn tất là để đúng ngày 10 tháng 10, Canh Dần theo lời dạy của Ơn Trên. Đó là một đặc điểm của buổi lễ hôm đó. Cho đến ngày khánh thành, Thánh tịnh được cơ bản về phần thô của Bát Quái Đài và Thiên Phong Đường. Còn Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài vẫn chưa có. Khó khăn tài chính vẫn là nguyên nhân làm kế hoạch xây dựng Thánh tịnh không nhanh hơn được.

           Buổi lễ kết thúc. Tiệc chay thân mật lại đến. Quý quan khách lại được chiêu đãi những món ngon mà đơn giản, mang đậm nét thôn quê, khó lòng mà chê cho được! Đã vậy, lúc ra về còn được mang về 2 đòn bánh tét....ngon không thể tả!

Đón chuyến xe về Sài Gòn sớm hơn dự định, tôi cảm thấy rất vui. Có lẽ đây là một trong ít lần đi liên giao hành đạo tôi thấy được ý nghĩa của hai chữ “liên giao”. Một số bạn thấy tôi đi “ăn tiệc” nhiều thế đã đặt tôi cái vị trí vào vai trò Tịnh Đàn Sứ Giả (1)...Nhưng qua những dịp như thế này, tôi còn thấy được nhiều điều hơn cái “sứ giả ăn tiệc” lợi nhiều hơn hại đó! Như lời đức Giáo Tông dạy vào năm 1971 về phần việc của ban Liên Giao Hành Đạo (2). Tôi biết rằng tôi chưa làm nhiều, nhưng đã hiểu ra nhiều về sự quan tâm, chăm sóc để hiểu và đi đến hổ trợ thích hợp với từng mỗi hoàn cảnh địa phương. Ít nhất, lúc này, khi sắp hết nhiệm vụ một năm tôi đã kịp lớn lên được một tí trong trách nhiệm hành đạo của mình! Không uổng những ngày đi đây đó!



Viết cho Cần Thơ, 15-11-2010
Thanh Long

(1)Nghe nói rằng đây chính là vai trò của Trư Bát Giới - Thiên Bồng Nguyên Soái trong thời kỳ này!
(2)Xem TGST 1971, đàn cơ ngày 13-02-197

Posted by Long Nguyen at 11:16 AM

Labels: Cần Thơ, hành đạo, liên giáo, Thánh tịnh Long Thành

Home Nội San 05 CẢM NHẬN VỀ CHUYẾN ĐI VỀ TTLT 2010