NGŨ GIỚI CẤM

NGŨ GIỚI CẤM

          Ngũ Giới Cấm là giới luật căn bản theo qui định của Tân Luật Pháp Chánh Truyền buộc mọi tín đồ đạo Cao Đài ngay từ khi mới nhập môn phải học, hiểu và thực hiện. Ngũ Giới Cấm gồm 5 điều cấm sau đây:    

-Nhứt bất sát sanh

-Nhì bất du đạo

-Tam bất tà dâm

-Tứ bất tửu nhục

-Ngũ bất vọng ngữ

       I. NHỨT BẤT SÁT SANH:

               1. Tại sao cấm sát sanh?

- Để tôn trọng sự công bằng: Ai cũng ham sống sợ chết, kể cả loài vật cũng thế. Khi phạm đến bản năng “sống” của chúng sanh là đã phạm đến luật công bằng tự nhiên của Tạo hóa. Chết là quyền tối cao của Tạo Hóa không ai có thể lạm dụng theo ý riêng được. 

- Để tôn trọng đức háo sanh và luật bảo tồn của Tạo hóa thì phải hiểu rằng:

-Sát sanh là ngăn cản sự tiến hóa của các sinh vật.

-Không sát sanh để thể hiện lòng bác ái.

              2. Ý nghĩa của giới cấm sát sanh:

          Theo Tân Luật của Đạo Cao Đài, giới cấm Sát Sanh là: Chẳng nên sát hại sanh vật.

          Sát: Là giết chết.

          Sanh: Là sống, là sự sống.

          Sát sanh là giết chết sự sống.

          Sát sanh là giới cấm rất quan trọng, đứng đầu trong Ngũ giới cấm.

          Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q2, 1964, Thầy có dạy như sau: “Thầy đã nói với các con rằng: khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới thì khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn Khôn Thế Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh. Các con đủ hiểu rằng: Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là Cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận. Cái sống của cả chúng sanh, Thầy phân phát khắp Càn Khôn Thế Giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến hóa. 

          Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu Nguyên sanh hay Hóa sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu mau đều định trước, nếu ai giết mạng sống, đều chịu quả báo không sai; biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân hồi mà ra đến đổi ấy.

          Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn sanh điều ấy.”

         

          Đức Mẹ cũng có dạy rằng: " Người với cầm thú tuy hình thể không hoàn toàn giống nhau nhưng cùng là huynh đệ của nhau, cũng đều có chung một điểm linh căn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế:

                   “Lắm phen rồi Mẹ khuyên chay lạt,

                   Gốc gì đâu sanh sát cấm ngăn?

                             Cũng tình liên lạc đồng bằng,

          Thú cầm vẫn thể linh căn Thượng Hoàng.

                   Bởi chưng thú chẳng quang minh lắm,

                   Cần trau tria rửa tắm nhiều giờ;

                             Với con là lũ em thơ,

          Nỡ nào nhìn nhỏ xác xơ thân hình?

                   Tuy chẳng nói thân hình giống tạc,

                   Cũng biết ăn, biết khát, biết đau;

                             Phơi da, lóc thịt làm sao?

          Con ôi! Sao uống huyết đào đàn em?”

Kinh Cảm Ứng có câu:

          “Chẳng lo quỉ giận Thần hờn,

     Khi không bứng gốc chặt trơn nhánh chồi.

          Hung hăng tánh dữ chẳng thôi,

     Sát sanh chẳng phải nhằm hồi lễ chi..."

3- Sát sanh về. Lời nói:

- xúi giục người khác có hành vi sát sanh.

- làm người khác buồn rầu, đau khổ, lo sợ mà chết.

- không có lời khuyên can người khác trước dự định và hành động sát sanh.

4- Sát sanh về. Tư tưởng:

-Có tư tưởng hay mưu sâu kế độc liên quan đến sự sát sanh.

-Là giết sự sống bằng từ lời nói đến hành động đều có thể gọi là sát sanh.

-Nếu lời nói sai làm cho người phiền lụy, hành động quấy làm cho người đau khổ cũng gọi là sát sanh.

-Chẳng phải giết loài vật để mà dưỡng thân mới gọi là sát sanh, mà sát sanh ấy theo định luật tiến hóa của thiêng liêng ai cấm cản đặng. Song biết tu ắt là không sát sanh một cách vô lý, khi không dụng đến. Chớ sự sát sanh không thể phân một lý đặng mà là bao quát tổng lý: mọi sự gì, mọi điều gì có tánh cách sai lạc thì cũng có thể gọi là sát sanh."

Sát sanh nói chung phải nghĩ đến những việc sau:

-Hành động làm mất cân bằng sinh thái.

-Hành động gây tổn hại đến môi trường sống của chúng sanh: thực vật, động vật, con người.

- Lời nói gây tổn hại đến chúng sanh.

- Ý tưởng, kế hoạch trong khai thác, sản xuất v.v... gây tổn hại đến sự sống của chúng sanh.

Vậy nên:

* Cần tập tánh háo sanh:

Đức Chí Tôn dạy:

Như trong Ngũ Giới Cấm, điều thứ nhứt cấm sát sanh thì con giữ được tròn rồi là con không sát sanh nữa nhưng cũng phải làm sao cho tâm con đầy đủ sự háo sanh, dưỡng sanh, bảo sanh. Có như thế, lâu ngày mới không biến đổi những sự chẳng hay."

*Có những Lợi ích về bất sát sanh:

- TÂM: làm nảy nở và phát triển lòng NHÂN, tánh THIỆN. khi biết rung động trước đau khổ của người khác hay sinh vật.

- HẠNH: Thực hành bài học THƯƠNG YÊU.

-Góp phần xây dựng hòa bình, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thánh giáo, Ơn trên dạy:

                “Miệng chay lạt phải thường chăm sóc,

                         Để thân con nên vóc nên vai;

                              Của người tín hữu Cao Đài,

                   Trọng sinh mạng vật, hình hài chúng sanh.”

       II. NHÌ BẤT DU ĐẠO:

          1- Du Đạo là gì?:

          -Là các hành vi du côn, đạo tặc, gian tham (vật chất, quyền lực)

          *Tại sao không được gian tham?

          TNHT Bài 58: Thánh-giáo của Chí-Tôn nói về Bất du đạo như sau:

          Thầy, các con. Ôi! Thầy sanh các con thì phải yêu-trọng các con chẳng cùng, mà Thầy cho các con đến Thế-giới nầy với một thánh-thể thiêng-liêng, y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống, không mặc mà lành, các con lại không chịu, nghe điều cám-dỗ mê-luyến hồng-trần, ăn cho phải bị đọa, dâm cho phải bị đày, nên chịu nạn áo cơm, dục quyền cầu lợi. 
Lợi , Thầy cũng đã dành cho các con chung hưởng cùng nhau mà cũng vì tham, đứa chứa nhiều, đứa chịu đói. Quyền , Thầy cũng ban cho các con in như Thầy đã ban cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, hầu cho đủ thế kiềm-thúc lấy nhau đặng giữ-vẹn thánh chất yêu sanh của Thầy, mà quyền ấy trở nên một cơ-thể buộc trói nhơn-sanh trong vòng tội mọi. Ôi! thảm thay! Cái thất-vọng của Thầy nên ghê-gớm, các con có hiểu vì sao mà cả nhơn-sanh gian-tham chăng? Thì cũng muốn cho nhiều sanh-mạng chịu phục dưới quyền-thế lợi-lộc đó, vậy sự yếu-trọng của con người là nạn cơm áo, nắm chặt quyền phân-phát cơm-áo, thì chưa ai đã chịu thọ-sanh nơi thế nầy lánh khỏi. Muốn cho đặng quyền-hành ấy thì làm thế nào?  Dùng hết mưu-chước quỉ-quyệt, thâu-đoạt cho đặng lợi-lộc quyền-thế cho nhiều, vì vậy mà đời trở nên trường hỗn-độn, tranh-tranh, đấu-đấu, giựt-giựt, giành-giành, gây nên mối loạn, nhơn-loại nghịch lẫn nhau giúp cho phép tà-quyền mạnh hơn, yếu-thiệt, mất phép công-bình thiêng-liêng tạo-hóa; cái trường thảm-khổ của thế-gian cũng do nơi đó mà ra.Vậy gian-tham đã thâm-nhập vào lòng, thì lòng hết đạo-đức. Tham-gian đã nhập vào nhà, thì nhà không chánh-giáo. Tham-gian đã nhập vào nước, thì nước hết chơn-trị.

Tham-gian đã lộng toàn thế-giới, thì thế-giới hết Thánh-Thần, Thầy không cần nói sự gian-tham có thể giục các con lỗi Ðạo cùng Thầy mà bị lắm điều tội-lỗi. Ấy vậy gian-tham là trọng tội.

2.  Những việc được xem là gian tham như:

- Ức hiếp, bắt nạt. (dựa vào quyền thế hay tiền của, sức khoẻ)

- Gian dối, tham lam.

- Trong học tập, thi cử có hành vi gian lận quay cóp. (chạy chọt, mua bán bằng cấp).

- Mượn vay không trả hay trả thiếu.                 

- Ăn trộm, ăn cướp.

- Chơi hụi, đề, cờ bạc, vé số, đánh cá ăn tiền (cá đua ngựa, đá banh)

- Mua bán: cân gian đo thiếu

- Đưa hối lộ và ăn của hối lộ.

Thầy dạy:

Chánh đạo phục hưng thì tà thần bị chế ngự, bằng cảm tà thì bị quỉ ma dẫn dắt. Không một kẻ hối lộ nào mà không gian manh, hễ gian manh sớm muộn rồi cũng bị luật nhơn quả nghiêm trừng.”

 *Du đạo còn là những việc như:

- Tham nhủng:

- Thâm lạm vật chất.

- Dùng quyền thế ép người dâng lễ.

- Nhủng nhiểu người khác.

- Ăn cắp bản quyền tác giả.

- Trộm cắp qua máy vi tính ... ...

- Dụ dỗ 

- Lường gạt người cho vay nặng lãi,

- Dụ nạp tiền qua thẻ cào di động v.v...

- Xúi giục làm quấy

          Kinh cảm ứng có dạy rằng:

“Chẳng lo họa phước xây vần, gạt người dốt nát đặng phần mình hơn. Trớ trinh chẳng dạ nhơn từ, gạt người khờ dại tội dư muôn ngàn. Hằng lo kết việc trái oan, tham lam phải chịu tai nàn ngày sau.

Khi diệt trừ gian tham ta thấy có những lợi ích trước mắt như:

- Rèn luyện được đức NGHĨA.

- Tránh gây nợ vật chất với người khác ở kiếp hiện tại.

- Góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

       III. TAM BẤT TÀ DÂM:

          1-Vì sao "tà-dâm" là trọng tội? 

          TNHT Bài 59: Thánh-giáo của Chí-Tôn (1928) nói về: Bất tà dâm Phàm xác thân con người tuy mắt phàm coi thân hình như một, chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn một khối chất-chứa vàn-vàn, muôn-muôn, sanh-vật. Những sanh-vật ấy cấu-kết nhau mà thành khối vật-chất có tánh-linh, vì vật-chất nuôi-nấng nó cũng đều là sanh vật, tỷ như: rau, cỏ, cây, trái, lúa gạo, mọi lương-vật đều cũng có chất sanh.Nếu không có chất sanh, thì thế nào tươi-tắn đặng mà chứa sự sống, như nó khô-rũ thì là nó chết, mà các con nào ăn vật khô héo bao giờ. Còn như nhờ lửa mà nấu thì là phương-pháp tẫy trược đó thôi, chớ sanh-vật bị nấu chưa hề phải chết. 
Các vật-thực vào tỳ-vị lại biến ra khí, khí mới biến ra huyết, chẳng cần nói, các con cũng biết cái chơn-linh khí-huyết là thế nào? Nó có thể hườn ra nhơn-hình mới có sanh sanh, tử tử, của kiếp nhơn-loại. 
Vì vậy mà một giọt máu là một khối chơn-linh, như các con dâm quá độ, thì sát mạng chơn-linh ấy. Khi các con thoát xác, thì nó đến tại Nghiệt-Cảnh-Ðài mà kiện các con, các con chẳng hề chội tội đặng. Phải giữ-gìn giới-cấm ấy cho lắm..."

          - Kinh Dịch lấy Âm Dương làm nền tảng. Dịch bao gồm ba trạng thái: bất dịch, giao dịch, biến dịch. Âm dương giao dịch để rồi biến dịch là nguyên lý chung của mọi hiện tượng tiến hóa trong vũ trụ càn khôn.

Ở cõi Hậu Thiên, lý âm dương giao dịch thể hiện sự sanh hóa trong mọi loài

- Con người phải lập gia đình mới có con cháu nối dõi.

- Con vật phải được giao phối mới gia tăng bầy đàn.

- Ở cây cỏ, hoa phải được thụ tinh nhờ nhụy đực và nhụy cái thì  quả mới có.

- Một phản ứng hóa học không có thể thực hiện được nếu không có sự kết hợp của các  ion dương và âm.

- Bóng đèn chỉ cháy sáng, động cơ chỉ hoạt động được khi hai dòng điện âm và dương được nối với nhau.

Vậy sự kết hợp âm dương là lẽ tự nhiên luật định của hóa công.

Vấn đề chỉ là sự giao dịch âm dương ấy có đúng cách thì mới có sự biến dịch. Td: trâu không thể giao phối với bò; ngổng không thể kết hợp với vịt.

Sự giao phối ở các loài động vật cao cấp thể hiện sự kết hợp có lựa chọn và tạo thành sự bền vững trong cuộc sống chung của gia đình riêng, có trách nhiệm với nhau. Đó là trật tự và đạo lý của bầy đàn động vật và xã hội con người.

2. Những việc bị xem là tà dâm:

* Hành động:

- Cưởng hiếp.

- Ham thú trăng hoa.

- Cử chỉ lả lơi rù quến.

- Ăn mặc hở hang hay không kín đáo.

- Lấy vợ chồng người.

- Anh chị em trong họ lấy nhau.

Theo luật hiện hành của Việt Nam, lấy vợ dưới 16 tuổi là phạm tội cho dầu cả hai gia đình đồng ý vẫn bị phạt tù!

- Sản xuất, phát hành sách báo phim ảnh khiêu dâm đồi trụy.

- Công xúc tu sỉ.(phát tán clip đồi trụy lên mạng internet)

*. Tà dâm về lời nói như:

- Có lời ong bướm dụ dỗ người khác tà dâm.

*. Tà dâm về tư tưởng như:

- Chinh phục tình cảm của nhiều người khác giới.

- Háo sắc.

- Lạm dụng tình dục.

3. Có nhữ lợi ích về bất tà dâm như:

- Giữ được đức LỄ.

- Bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình.

- Bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình, xã hội (tránh bệnh hoa liểu)

- Bảo vệ sự trong lành bầu văn hóa của xã hội.

- Hạn chế sự lây nhiểm SIDA.

- Hạn chế sự bùng nổ dân số.

          IV. TỨ BẤT TỬU NHỤC:

1. Vì  sao phải giới tửu?

*Có những tác hại do rượu gây ra:

- Sát sanh: lái xe gây tai nạn, giết người ...

- Gian tham: trộm cắp ...

- Tà dâm: bia ôm, hiếp dâm ...

- Vọng ngữ: chửi tục ...

- Đánh nhau, đốt nhà, tai nạn lao động ...

-Lạm dụng rượu dẫn đến: bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất trí, bất tín, bất hiếu…

2- Rượu hại phần xác của con người: Hệ tuần hoàn đưa máu đỏ đi khắp châu thân nuôi cơ thể, máu đen trở về tim để đưa lên phổi thanh lọc. Khi uống rượu vào, tim không còn làm việc theo chế độ thiên nhiên nữa mà bị tăng tốc theo nồng độ của rượu trong máu, phổi không lọc kịp máu đen thành máu đỏ, số máu đen tăng dần trở thành độc tố và gây nhiễm độc cho chúng sanh nhỏ lẩn chúng sanh lớn.

          Độc tố tàn phá cơ thể dần từng phần cơ thể cho đến bán thân bất toại rồi toàn thân…

                   “… chẳng nên dùng rượu mạnh,

                   Vị nồng cay, kích tánh loạn tâm;

                   Uống say sưa, trí phải hôn trầm,

                   Tránh sao khỏi lỗi lầm lắm việc.”

Uống rượu, từng bước hủy hoại bản thân rồi làm khổ gia quyến, tiêu tan sự nghiệp:

          “Gương trước mắt, nhiều điều đáng tiếc,

           Người trở nên mất nết, hư thân,

          Lại còn thêm tánh bạo hay sân,

          Khổ gia quyến, đổ lần cơ nghiệp”.

             

              3- Rượu hại phần hồn của con người:

          Bộ não của người liên quan đến tinh, thần trong việc luyện đạo. Khi uống rượu vào làm não bị tán loạn khiến con người làm những việc mất nhân phẩm, khi nhân phẩm không giữ được thì sẽ thoái hóa, chịu tiếp tục trôi lăn trong vòng luân hồi sanh tử, không mong gì trở lại non Bồng nước Nhược, hay Niết Bàn, Cực Lạc.

       V. NGŨ BẤT VỌNG NGỮ:

1. Những điều vọng ngữ:

- Nói dối, nói láo, tráo trở.               

- Bịa đặt, xuyên tạc, gièm siểm.

- nói tục, chửi thề, chửi bới.

- xúi giục, đâm thọc, xỏ xiên.

- khoe khoan, khoác lác.

- bợ đở, nịnh hót.

          2- Vì sao cấm "Vọng-Ngữ" 

          TNHT Bài 61, Thánh-giáo của Chí-Tôn (1928) nói về: Bất vọng-ngữ như sau: "Thầy đã nói rằng nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một chơn-linh gìn-giữ cái chơn-mạng sanh-tồn.

          Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng: đấng chơn-linh ấy vốn vô-tư, mà lại đặng phép giao-thông cùng cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và các Ðấng trọn-lành nơi Ngọc-Hư-Cung, nhứt-nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa phán-xét, bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả; lại nữa, các chơn-linh ấy, tánh Thánh nơi mình đã chẳng phải giữ-gìn các con mà thôi, mà còn dạy-dỗ các con, thường nghe đời gọi là "lộn lương-tâm" là đó.

          Bởi vậy chư Hiền, chư Thánh Nho nói rằng: "Khi nhơn tức khi tâm". "Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã".

          Nên con người lúc nào cũng có nơi Tòa án lương tâm phán-xét, chẳng vì một lời nói vô-ích mà bỏ, nên cần phải cẩn-ngôn, cẩn-hạnh trước mọi thử thách của cuộc đời.

          3. Có những lợi ích về bất vọng ngữ như:

- Giữ được đức TÍN nơi mình.

- Tạo được lòng tin với người khác.

          - Tạo được sự tín nhiệm và mến phục của người khác với mình

                                                           Giáo sư: Ngọc Việt Thanh

(Hội Thánh Cao Đài Chiếu  Minh Long Châu)